Hội thảo "Lãi suất các ngân hàng thương mại hiện nay, những vấn đề đặt ra" vừa được tổ chức tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, ngân hàng xung quanh việc có nên và thời điểm nào hạ lãi suất cơ bản.
Bên lề hội thảo, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương về quan điểm của Hiệp hội trong vấn đề này. Bà Dương Thu Hương cho biết:
Từ năm 2000 đến năm 2007 các NHTM thực hiện theo cơ chế lãi suất thoả thuận mà thị trường tài chính ngân hàng vẫn ổn định là do thời gian đó kinh tế phát triển tốt, lạm phát thấp, DN làm ăn có hiệu quả.
Nhưng trong năm 2008 nếu không có sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước mà lãi suất vẫn thực hiện theo thoả thuận thì không biết cuộc đua lãi suất sẽ diễn biến như thế nào.
Có thể nói, quy định của Luật Dân sự về lãi suất tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản là một quy định khiến tình hình tài chính-ngân hàng thời gian qua không vượt quá ngưỡng cho phép.
Dù có nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định này nhưng trong thời điểm hiện nay không nên bỏ quy định trần lãi suất cũng như hạ lãi suất cơ bản.
Tại sao chưa nên hạ lãi suất cơ bản, thưa bà?
Hiện tại các DN đang dần khôi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố khiến nền kinh tế vĩ mô ổn định trở lại. Nếu hạ lãi suất cơ bản sẽ khiến tình hình kinh tế mất ổn định, xáo trộn tâm lý của DN.
Bên cạnh đó, hiện nay tỷ giá ngoại tệ đang được nới rộng ở mức + -5, giả sử lãi suất VND hạ sẽ khiến tâm lý người dân chuyển từ VND sang USD gây áp lực cho sự bình ổn đồng nội tệ.
Tuy nhiên giữ nguyên lãi suất cơ bản không có nghĩa là cố định mức 7% như hiện nay mà chỉ là ổn định lãi suất cơ bản trong một thời gian.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công văn nêu rõ quan điểm của Hiệp hội là nên giữ nguyên lãi suất cơ bản trong thời điểm hiện tại. Trong 6 tháng cuối năm, tùy vào tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước mà có sự điều chỉnh linh hoạt đối với lãi suất cơ bản.
Quan điểm của bà về việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động hiện nay?
Đây là tín hiệu của thị trường mà Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm trong vấn đề ứng xử như thế nào với lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào còn tuỳ thuộc vào quan điểm của của Ngân hàng Nhà nước.
Bà đánh giá như thế nào về ảnh hưởng các gói kích cầu của Chính phủ đối với lãi suất các ngân hàng thương mại?
Theo tôi, dù là gói kích cầu ngắn hay trung và dài hạn thì các gói kích cầu của Chính phủ đều có tác dụng kép. Gói kích cầu đã hỗ trợ DN tiếp cận được vốn tín dụng với lãi suất thấp.
Hiện nay một DN XNK sau khi được hỗ trợ 4% lãi suất và hưởng cơ chế lãi suất đối với DN xuất NK chỉ phải trả lãi 0,5%/năm.
Như vậy DN giảm được chi phí đầu vào, nhanh chóng phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Gói kích cầu trung và dài hạn giúp DN có vốn đầu tư trang thiết bị với chi phí thấp nhất, tạo công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với các ngân hàng thương mại, gói kích cầu giúp các ngân hàng vẫn cho DN vay với lãi suất thấp mà không phải hạ lãi suất huy động.
Trong tình hình hiện nay, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động, người dân sẽ không mặn mà với kênh đầu tư này nữa sẽ khiến đầu vào của các ngân hàng khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của ngân hàng thương mại.
Xin cảm ơn bà!
( Báo Hải Quan)