Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó

Bộ Công Thương hôm nay (9/4) đã tổ chức toạ đàm xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2009 nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu

 

 

Tại cuộc toạ đàm, các doanh nghiệp cũng đã nêu những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu, cũng như các ý tưởng cho giải pháp hiện nay mà doanh nghiệp thấy cần được thảo luận để xúc tiến xuất khẩu trong giai đoạn này như: Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than đá đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước. Một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn như dệt may và da giầy chịu tác động của một số quy định mới từ năm 2009 như Mỹ bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc; EU không gia hạn quy chế GSP đối với hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam… Nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp phải rào cản thương mại liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục đứng ở mức thấp và khó có thể tăng trong năm 2009, vì vậy, khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu do giá tăng là khó.

Đại diện các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tại các thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương đã có Quyết định phê duyệt đợt 1 và đợt 2 Chương tình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009 tổng số 98 chương trình với tổng kinh phí 128,60 tỷ đồng. Bộ cũng đang trình Chính phủ phê duyệt mở rộng Chương trình theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng theo Chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đề nghị các doanh nghiệp cần tập trung tận dụng lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới; Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định mậu dịch tự do đa phương và song phương để tranh thủ cơ hội xuất khẩu vào các thị trường này; Chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh suy thoái kinh tế còn diễn biến phức tạp; Không ngừng tìm kiếm cơ hội giao thương thị trường mới, mặt hàng mới để tìm đầu ra cho sản phẩm Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác thông tin, dự báo về giá cả thị trường trong và ngoài nước giúp các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu để chủ động trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Bộ cũng sẽ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin, xúc tiến thương mại và tổ chức gắn kết giữa các doanh nghiệp để đề xuất các biện pháp kịp tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Theo thống kê, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 3 tháng qua chỉ đạt 3,1%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2009 đạt 13,479 tỷ USD, chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch nhập khẩu đạt 11,832 tỷ USD giảm 55% so với cùng kỳ năm 2008. Trong số 13 mặt hàng chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như giày dép, thuỷ sản, cà phê, nhân điều, dệt may, điện tử và linh kiện máy tính… đều giảm mạnh từ 10- 20%. Riêng mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 76% so với cùng kỳ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong tình hình thế giới có nhiều biến động bất lợi, nhất là tác động xấu từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thì kết quả xuất khẩu đã đạt được trong 3 tháng đầu năm 2009 cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ, sự phối hợp và đồng thuận giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2009, mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu nhưng Bộ Công Thương tin tưởng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cố gắng nỗ lực hết mình cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khắc phục những khó khăn, hạn chế; tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra./.

 

VOV

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã và đang bị thu hẹp, nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm, sức ép cạnh tranh từ các nước châu Á gia tăng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép, điện tử.

ĐỌC THÊM