Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gỡ khó cho doanh nghiệp thép

Tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản, cùng chính sách cắt giảm đầu tư công đã khiến thị trường sắt thép gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tồn kho tăng cao. Những gói chính sách về giảm, giãn thuế, hạ trần lãi suất,... vừa qua, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng như một số doanh nghiệp ngành thép đánh giá, vẫn đang có "độ trễ" nhất định, chưa thật sự có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại.

Sản xuất, tiêu thụ giảm

Bước vào năm 2012, nhận định nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thép còn có chiều hướng giảm sút hơn so với năm 2011, VSA chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng ngành thép từ 3 đến 4%, tuy nhiên, ngay cả việc đạt được mức này cũng đã là thách thức rất lớn. Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho biết, sáu tháng đầu năm, sản lượng thép toàn hiệp hội chỉ đạt 2,3 triệu tấn, giảm hơn 11%; thép tiêu thụ 2,2 triệu tấn, giảm gần 8% so cùng kỳ năm trước. Lượng thép xây dựng tồn kho tại các doanh nghiệp hơn 350 nghìn tấn, cao hơn mức bình quân khoảng 100 nghìn tấn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép VSC - Posco (VPS) Nguyễn Thành Ðồng cho biết, sáu tháng qua, công ty sản xuất hơn 72.500 tấn, giảm 39%; tiêu thụ gần 81.500 tấn, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch. Do tiêu thụ chậm, doanh nghiệp buộc phải tiết giảm sản xuất để tránh tồn kho lớn. Thời gian qua, điện, than, xăng, dầu,... liên tục tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp thép vốn đã yếu đuối èo uột. Giá thép thời điểm hiện tại dao động quanh mức từ 15 đến 15,6 triệu đồng/tấn, đang ở mức thấp hơn giá thành và một số đơn vị đang bị lỗ.

Một nguyên nhân đã cũ, song không thể không nhắc đến, đó là tình trạng phá vỡ quy hoạch khiến ngành thép lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay. Các địa phương nóng vội đầu tư theo kiểu "phong trào", dễ dãi chấp nhận các dự án thép, dẫn đến phá vỡ tính cân đối về số lượng và chủng loại sản phẩm. Thép xây dựng thừa, trong khi nhu cầu thép cán nóng, thép chế tạo, thép không gỉ... rất lớn, lại không có doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất. Nhiều địa phương không tìm hiểu kỹ đối tác, khi gặp biến động kinh tế, các dự án bị "đắp chiếu" kéo dài, phải thu hồi giấy phép. Theo VSA, cả nước có gần 120 doanh nghiệp thép xây dựng, nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp nằm trong quy hoạch. Dự kiến, nếu sản xuất bình thường, sản lượng năm nay có thể đạt tới chín triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ chỉ đạt gần sáu triệu tấn/năm.

Thông thường, kết cấu nguồn đầu tư của các doanh nghiệp hình thành từ ba nguồn: vốn tự có, vốn trên thị trường chứng khoán và vốn vay ngân hàng. Tại thị trường chứng khoán nước ta, việc huy động vốn qua kênh này tê liệt, vốn tự có của doanh nghiệp rất thấp, vì thế hầu hết các dự án đầu tư đều trông vào ngân hàng. Ngành thép là điển hình của các dự án hình thành bằng vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Hệ số nợ/tổng tài sản (D/A) bình quân của 15 doanh nghiệp ngành thép là 63%, hay nói cách khác, cứ mỗi 100 đồng tài sản, được tạo ra từ 63 đồng vay nợ. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp có nợ chiếm hơn 80% tổng tài sản. Các doanh nghiệp thép chỉ đủ sức đầu tư nhà máy với quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu. Khi nhà máy đi vào sản xuất, nguồn vốn vay phải nhanh chóng phân bổ, khấu hao vào giá thành sản phẩm thép. Ðiều này chứng minh vì sao sản phẩm thép xây dựng ở nước ta tuy chất lượng không cao nhưng giá luôn cao "chót vót", càng khiến sức cạnh tranh của các sản phẩm thép trong nước yếu.

Kết thúc quý I năm 2012, theo một báo cáo tài chính, doanh nghiệp thép HS có dư nợ vay ngắn hạn hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn ngân hàng hơn 2.400 tỷ đồng. Có nhiều khoản vay của doanh nghiệp này chịu lãi suất từ 19,5 đến 24%/năm, vay dài hạn cũng "bi đát" với lãi suất từ 18 đến 20%/năm. Một doanh nghiệp khác, Công ty Thép Sông Hồng tiếp tục lỗ 32,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trở về âm 135,4 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, tổng nợ của Công ty Thép Sông Hồng lên tới gần 540 tỷ đồng, nợ quá hạn 350 tỷ đồng, bằng 65% tổng số nợ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Thép Sông Hồng hai năm qua đều lỗ (năm 2010 lỗ 132,5 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 55,3 tỷ đồng). Nguyên nhân là do nguồn vốn hoạt động sản xuất của công ty gặp khó khăn, vốn vay chủ yếu ngắn hạn với lãi suất cao (hơn 20%). Mặt khác, thương hiệu Thép Sông Hồng còn mới, thị phần hạn chế.

"Tiếp sức" cho ngành thép

Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2012, ngành thép cũng như nhiều ngành khác chưa thoát khỏi khó khăn. Ðể tiêu thụ được sản phẩm trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành cũng như tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Bộ Công thương cũng chỉ đạo các địa phương rà soát và quản lý chặt chẽ, tránh cấp phép tràn lan các dự án thép; rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án không đủ điều kiện triển khai. Trước khó khăn và thách thức hiện nay, ngành thép cần phải cơ cấu lại, tự thân các doanh nghiệp phải cải tiến kỹ thuật, công nghệ để sản xuất đạt năng suất cao. Những doanh nghiệp thép có sức cạnh tranh yếu, công nghệ và thiết bị lạc hậu thì cần bán hoặc sáp nhập cơ sở sản xuất, liên kết tạo dựng thành thương hiệu mạnh. Trong bối cảnh tiêu thụ ảm đạm, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép mong mỏi các cơ quan quản lý cùng VSA nên tổ chức cho các doanh nghiệp thép gặp nhau bàn bạc, thương thảo để san sẻ, bù đắp thị trường, nâng cao mức tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng hạ giá, chèn ép lẫn nhau.

Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là những chính sách vĩ mô, mới ban hành, cho nên việc xác định hiệu quả cần có thời gian. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn bộ các ngân hàng rà soát những khoản vay cũ và đưa lãi suất các hợp đồng đã ký về dưới 15%/năm. Ðây là một tín hiệu tốt, nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thép, chủ trương này chỉ mang tính định hướng, không phải các doanh nghiệp đều được hưởng. Mỗi ngân hàng có những điều kiện ràng buộc riêng, đòi hỏi năng lực tài chính tốt, doanh nghiệp "yếu" làm sao đáp ứng được yêu cầu này, vì thế để tiếp cận sự hỗ trợ này không dễ dàng. Tổng Giám đốc VPS Nguyễn Thành Ðồng phân tích: Chính sách lãi suất hiện tại ít tác dụng do công ty đang sử dụng hợp đồng vay với ngân hàng nước ngoài và các hợp đồng đã rút vốn, còn hợp đồng mới chưa triển khai do chưa mở rộng sản xuất. Chính sách giảm, giãn thuế cũng không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp vì lợi nhuận sáu tháng qua của công ty rất thấp, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất nhỏ, còn gia hạn nộp thuế VAT thì tồn kho sản phẩm khá cao, số thuế phải nộp cũng không lớn. Việc tăng giá điện thêm 5% vào đầu tháng 7 vừa qua cũng tăng thêm mối lo cho doanh nghiệp. Mỗi tấn thép phải sử dụng khoảng 600 kW giờ điện, làm đội giá thành sản phẩm lên khoảng 40 nghìn đồng/tấn. Giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng nhưng ngành thép không dám tăng giá bán vì sức mua thấp. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Ðức Lê Minh Hải cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự có ý nghĩa, tác dụng tức thời đối với các doanh nghiệp thép. Bởi doanh nghiệp đã đuối sức, việc giãn thuế chỉ như "miếng bánh treo cao". Ðiều mà các doanh nghiệp thép mong mỏi là Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp mang tính dài hơi, tháo gỡ "nút thắt" về đầu ra, thúc đẩy đầu tư công, khơi thông thị trường tiêu thụ.

VSA hy vọng từ tháng 9 trở đi, bắt đầu vào mùa xây dựng, sản xuất thép có thể khởi sắc trở lại. Bộ Công thương cũng nhận định, tiêu thụ thép xây dựng trong những tháng cuối năm sẽ tăng dần lên khi Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường phát huy hiệu quả.

Nguồn tin: Nhandan

ĐỌC THÊM