Có đến hàng trăm nghìn mặt hàng xuất, nhập khẩu (XNK) tại Việt Nam hiện nay cần phải kiểm tra chuyên ngành. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, không ít các thủ tục kiểm tra chồng chéo, trái luật, một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra từ nhiều bộ, gây phiền hà, làm tăng chi phí...
Có những quy định chuyên ngành trái với luật
Đây là thực tế khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các loại hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong số 100.000 mặt hàng XNK phải kiểm tra thì tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35%. Trong đó, tỷ lệ hàng hóa XNK phải kiểm tra thú y là 14,3%, kiểm tra chất lượng là 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm là 19,1%, giấy phép XNK và yêu cầu tương đương là 41,2%... Mỗi năm, doanh nghiệp phải mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan; nhiều lô hàng đã được lực lượng Hải quan kiểm tra nhưng không thông quan được, thậm chí 2-3 tháng sau các bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, cùng với nhiều thủ tục rườm rà... Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% thủ tục phải thực hiện 2-3 lần kiểm tra, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, còn có sự chồng chéo giữa các bộ trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK nhưng không có sự phối hợp chặt chẽ, khiến cho hàng hóa không thể thông quan. Ví dụ, mặt hàng sô-cô-la phải “cõng” 13 giấy phép vì được sản xuất từ 12 loại nguyên liệu, mỗi loại nguyên liệu cần một giấy phép và cuối cùng là giấy xác nhận công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua vừa phải tiến hành kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định Bộ Y tế. Để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bánh kẹo có nguồn gốc từ động vật phải thực hiện kiểm tra theo 4 văn bản của Bộ NN&PTNT... Cũng liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh, quy định kiểm dịch thú y đối với thực phẩm đóng gói sẵn là không phù hợp với quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Luật chỉ quy định thực phẩm tươi sống mới phải có chứng nhận về vệ sinh thú y nên bộ phải bãi bỏ quy định này.
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Một thực trạng khác được nhiều doanh nghiệp phản ánh là vẫn còn độc quyền trong kiểm tra chuyên ngành. Nhiều mặt hàng máy móc, linh kiện điện tử thuộc các hãng sản xuất hàng đầu của thế giới về công nghệ nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam vẫn phải kiểm tra thử nghiệm theo phương pháp thủ công để đánh giá chất lượng. Có những bộ chỉ giao cho một cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm, dẫn đến quá tải. Cũng vì vậy, để được kiểm định, doanh nghiệp tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian vì phải vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Việc kết nối thông tin và đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, nên dù kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06%.
Quyết liệt cải cách
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK từ 30-35% như hiện nay xuống còn 15%. Tuy nhiên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực từ các bộ, ngành để đạt được mục tiêu này. Tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Hiện nay, đã có 60 văn bản được rà soát, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, có 4 văn bản không cần sửa đổi, bổ sung.
Bộ Công Thương là một trong những đơn vị có hàng hóa XNK cần kiểm tra chuyên ngành nhiều và phức tạp. Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục tích cực rà soát, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK để triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ với nhiều giải pháp như: Áp dụng kiểm tra giảm (chỉ lấy mẫu kiểm tra bên ngoài hàng hóa, kiểm tra dán nhãn...); nếu 5 lần liên tiếp doanh nghiệp không có vấn đề gì sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ (không lấy mẫu kiểm tra nữa). Bộ Công Thương đã hoàn thành được 90% nhiệm vụ rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Bộ NN&PTNT có số lượng hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành nhiều nhất. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, bộ được giao sửa đổi, bổ sung 49 văn bản, chiếm 56,4% số nhiệm vụ giao cho các bộ. Đến nay bộ đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung 37 văn bản; quyết tâm đến hết năm 2017 sẽ tiếp tục rà soát 6 thông tư, để rút xuống còn 3 thông tư... Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Từ 996 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, bộ đã rà soát, rút gọn xuống còn 508 thủ tục, cắt giảm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và sẽ tiếp tục rà soát tiếp ở các thủ tục thành phần. Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập tổ công tác riêng để rà soát từng thủ tục và sẽ xem xét xã hội hóa khâu kiểm định để tránh tình trạng các doanh nghiệp phải chờ đợi lâu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn lưu ý việc kiểm tra chuyên ngành cũng phải tuân thủ các thông lệ quốc tế. Ví dụ, hiện có 116 sản phẩm (theo quy định của Việt Nam là 136) đã qua chế biến nhập khẩu vào Việt Nam dứt khoát phải có kiểm định theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Bộ NN&PTNT sẽ tính toán để một mặt nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng cũng phải tính đến việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ nền sản xuất của Việt Nam theo đúng cam kết quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan kiểm tra nên quan tâm đến công tác hậu kiểm. Nghĩa là, thay vì các bộ cấp xác nhận phù hợp cho sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì và các cơ quan chức năng tiến hành công tác hậu kiểm một cách chặt chẽ, minh bạch.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân