Bộ Tài chính cho rằng việc xem xét tăng kế hoạch xuất khẩu than cho giai đoạn 2017-2020 lên 3-4 triệu tấn/năm là giải pháp có tính khả thi hơn vì giảm được lượng than tồn kho.
Xuất khẩu than trong 9 tháng giảm cả về lượng và trị giá. Ảnh internet.
Thời gian qua Bộ Tài chính đã nhận được văn bản kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành than.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa có công văn phúc đáp Bộ Công Thương.
Về đề xuất giải pháp giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than, theo Bộ Tài chính, hiện mức thuế tài nguyên đối với mặt hàng này ở mức 10-12% và được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10-12-2015 về Biểu mức thuế suất tài nguyên. Nghị quyết này có hiệu lực từ tháng 7-2016. Theo đó, việc xem xét sửa đổi biểu thuế xuất đối với tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết trên vừa mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết đánh giá.
Mặt khác, việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một số đơn vị cần được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.
Bộ Tài chính cũng đã có trao đổi với TKV. Tập đoàn này cho biết, sản lượng khai thác hàng năm của 3 mỏ Vàng Danh, Uông Bí, Năm Mẫu với 8,5 triệu tấn than, trong đó hơn 3 triệu tấn than là chất lượng cao (chiếm 35%), trong nước ít có nhu cầu sử dụng.
Hiện nay, giá than nhập thấp hơn giá bán trong nước, nên các nhà máy điện, xi măng giảm lượng mua từ TKV nên lượng tồn kho tăng trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho từ năm 2017-2019 chỉ 2 triệu tấn/năm.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 - 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3-4 triệu tấn/năm.
“Đây là giải pháp khả thi hơn so với phương án giảm thuế xuất bởi vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng vừa không thay đổi thu ngân sách", công văn của Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo thông tin từ TKV, sản lượng than nguyên khai thực hiện toàn Tập đoàn trong 9 tháng đạt 26,7 triệu tấn, bằng 67% kế hoạch năm; sản lượng than tiêu thụ đạt 25,7 triệu tấn, tương đương gần 80% kế hoạch. Tuy nhiên, than tồn kho đang ở mức khá cao, lên tới 10,8 triệu tấn; trong khi lại thiếu than sạch phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước.
Xuất khẩu than cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu than trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 730.000 tấn, thu về 73,8 triệu USD, giảm 48% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu than lại tăng mạnh. Thông tin do ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cung cấp tại buổi tọa đàm ngày 24-10 cho thấy, 9 tháng qua Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 tấn than, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do nguồn than trong nước không đáp ứng và giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than khai thác trong nước. Cụ thể, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn dẫn tới chênh lệch giá thành giữa than trong nước và nhập khẩu. Nhiều mỏ và hầm lò hiện nay, phải xuống độ sâu hơn 300m so với mặt biển mới có thể khai thác được than. Trong khi đó, thuế phí đánh trên than của Việt Nam đang cao hơn từ 5% đến 7% so với nhiều nước trong khu vực.
Chưa kể giá than thế giới sụt giảm quá mạnh theo giá dầu những tháng đầu năm cũng khiến mức chênh lệnh giữa than trong nước và than thế giới tăng lên.
Trong bối cảnh trên, theo TKV, các loại thuế, phí trong giá thành than khai thác trong nước các năm gần đây liên tục tăng. Chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7-10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước là 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%.
Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm cho người lao động.
Nguồn tin: Hải quan