Để phát triển kinh tế tư nhân thì việc dỡ bỏ rào cản, gỡ nút thắt thể chế đòi hỏi hành động cụ thể để sửa đổi, bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách đang cản trở kinh tế tư nhân phát triển là vô cùng quan trọng.
“Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.”
Đây là một phần nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phát triển kinh tế tư nhân.
Có thể thấy rằng, nếu xóa bỏ định kiến chính là việc thay đổi tư duy, thì việc dỡ bỏ rào cản, gỡ nút thắt thể chế đòi hỏi hành động cụ thể để sửa đổi, bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách đang cản trở khu vực kinh tế này phát triển. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ ngành.
Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân thực sự tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân, nhưng phải hành động như thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất. Rào cản về định kiến được xóa bỏ, nhưng chính sách phải được vạch ra ngay lập tức và đó là vai trò quan trọng của một Chính phủ kiến tạo, báo Vietnamplus đưa tin.
Gỡ nút thắt thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh minh họa
Từ quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ, một tư duy mới về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế đã được hình thành, xóa bỏ tâm lý xem nhẹ, trì trệ trong xây dựng văn bản quy phạm trước đó.
Trao đổi với báo QĐND, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, sắp xếp đổi mới kinh tế Nhà nước, nhất là DN Nhà nước và phát triển KTTN là nhiệm vụ then chốt của nước ta trong những năm tới. Việc phát triển KTTN không chỉ chú trọng đến phát triển DN tư nhân mà còn cả kinh tế tập thể và hộ kinh doanh cá thể.
Nhìn lại cộng đồng DN Việt Nam có thể thấy, nước ta có rất nhiều DN nhưng lại chưa phải là lực lượng mạnh, bởi thiếu sự liên kết giữa DN Nhà nước và DN tư nhân. Các DN Nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu ái từ Nhà nước cùng ưu thế được cấp vốn từ ngân sách, được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận các nguồn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng so với DN tư nhân. Khu vực KTTN thường chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn từ phía các DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập và phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường nội địa; trong khi năng lực cạnh tranh yếu, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2015, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng nước ngoài. Các chuyên gia cũng nhận định, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm phá sản hoặc buộc các DN nhỏ và vừa của Việt Nam phải “lui” về các ngành thâm dụng lao động với năng suất thấp.
PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để tạo không gian cho khu vực KTTN, cần giúp khu vực này tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, vào quá trình cổ phần hóa các DN Nhà nước, được hưởng các ưu đãi về lãi suất, vay vốn, đào tạo, thuế, thuê mặt bằng, thủ tục hành chính…; nhất là khi tham gia vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới. Cần có những giải pháp đột phá để chấm dứt cơ chế xin-cho trong phân bổ nguồn lực Nhà nước. Quản lý ngân sách Nhà nước phải chặt chẽ, minh bạch hơn từ Trung ương tới địa phương, tạo lập môi trường thực sự bình đẳng và dỡ bỏ các rào cản cho khu vực KTTN phát triển.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đoạn tuyệt hoàn toàn những phân biệt đối xử đối với khu vực KTTN và dành những ưu đãi về chính sách cho DN Nhà nước do bộ, ngành mình quản lý cần sớm được loại bỏ. Việc Nhà nước tạo ra bầu không khí hợp tác hơn nữa đối với khu vực này chứ không chỉ đơn thuần cung cấp các ưu đãi tài chính... cũng sẽ giúp khu vực KTTN ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Nguồn tin: Doanh Nghiệp Việt Nam