Thời điểm thoát khỏi khó khăn của DN đang ngày càng đến gần khi mà các yếu tố vĩ mô mỗi ngày một tích cực, trong khi chính các ngân hàng cũng tự điều chính để hòa mình vào hơi thở của thị trường.
Lạm phát cải thiện 6 tháng liên tiếp
Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) đưa ra ngày 24/2 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2012 không cao như dự đoán của thị trường trước đó là 1,5%.
Cụ thể, CPI cả nước tháng 2/2012 thực tế tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với tháng 12/2011. Đây là một mức tăng tương đối cao so với mục tiêu kìm chế lạm phát cả năm ở mức một con số nhưng là khá tích cực bởi đây vẫn là tháng chịu ảnh hưởng của Tết.
CPI tháng 2 năm nay chỉ bằng 65% so với tháng 2/2011 khi là giá tiêu dùng tăng tới 2,09%.
Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp, CPI được cải thiện so với cùng kỳ các năm trước đó.
Với mục tiêu dưới 10% cho năm nay, khả năng hoàn thành nhiệm vụ không phải là không thể thể thực hiện bởi thông thường trong các tháng tiếp theo lạm phát luôn ở mức thấp, thậm chí có những thời kỳ CPI tăng trưởng âm và với cú sốc trượt giá trong năm 2011, tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn chưa phôi phai nhiều.
Trong một phân tích đánh giá của mình, tờ báo tài chính hàng đầu của Mỹ Bloomberg hôm 24/2 khẳng định Việt Nam đang kiềm chế lạm phát một cách khá hiệu quả, không chỉ thông qua các chính sách thắt chặt mà còn qua các biện pháp hành chính.
Theo Bloomberg, nhiều khả năng NHNN Việt Nam sẽ hạ lãi suất vào cuối quý này hoặc đầu quý sau và lạm phát có thể xuống một con số vào cuối năm nay.
Với số liệu tháng 2, CPI so với cùng kỳ đang chỉ còn tăng 16,44%.
Liên tiếp trong những ngày gần đây các tổ chức tài chính có uy tín trên thế giới đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vào sự hấp dẫn của TTCK - một thước đo sức khỏe các doanh nghiệp trong nước.
Báo Wall Street Journal dẫn báo cáo ra ngày 22/2 của Citigroup khuyến nghị, các nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn về triển vọng kinh tế của Việt Nam nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dân số trẻ, những nỗ lực cải cách của Chính phủ ở các lĩnh vực cổ phần hóa, nới lỏng hạn chế đối với quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài...
Trước đó, một số tổ chức đầu tư nước ngoài như Dragon Capital hay Manulife Asset Management đã lên tiếng bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng TTCK Việt Nam trong năm 2012 với những đánh giá tích cực về chuyển biến vĩ mô.
Trên tờ CNBC, ông David Roes, the CEO of Asean Investment Management nhận định chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Roes, TTCK Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 năm tới nhờ lạm phát và lãi suất ngân hàng giảm.
So sánh với khủng hoảng châu Á năm 98, Roes cho rằng Việt Nam đang có những bước thoát hiểm ngoạn mục giống Indonesia và Thái Lan - những nước đã phải đối mặt với lạm phát và lãi suất ngân hàng rất cao khi đó.
Lãi suất: bao giờ sẽ thực giảm
Cho dù cho tới thời điểm này, NHNN vẫn đang khống chế lãi suất huy động ở mức cao là 14% và chưa công bố thời điểm nào sẽ giảm với mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng, nhưng có thể thấy thị trường cho vay đang có những chuyển biến rất tích cực.
Xu hướng giảm lãi suất đã không còn nằm trong phạm vi các "ông lớn" nữa mà đã những ngân hàng cổ phần đầu tiên thêm gia như một sự điều chỉnh tất yếu theo hơi thở của thị trường sau khi một loạt các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, Agribank đã lần lượt điều chỉnh. Trước đó nữa, trong bốn tháng cuối năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có tới 5 lần giảm lãi suất thì.
Trên thị trường đã có những khoản cho vay có lãi suất được đưa về tới 14,5% - chỉ nhỉnh hơn chút ít so với trần lãi suất huy động hiện nay là 14%.
Sau các ngân hàng thương mại quốc doanh hạ lãi suất. Đến lượt các ngân hàng nhỏ cũng tìm cách cho vay ưu đãi để hút khách.
Từ ngày 27/2, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 1.000 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 15% - 18%/năm. Đối tượng khách hàng được vay là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất máy móc, hàng công nghệ, nghiên cứu công nghệ cao và kinh doanh xuất khẩu.
Ông Phạm Đông Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank, cho biết hiện tỷ lệ cho vay các ngành nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán của ngân hàng này hầu như không có. Song, ngân hàng vẫn còn dư địa tín dụng dồi dào và sẽ chủ trương tài trợ, cho vay trong lĩnh vực công nghệ.
Ngân hàng Quốc tế VIB vừa thông báo dành nguồn vốn 4.000 tỷ đồng và 50 triệu USD cho vay với lãi suất ưu đãi.
VIB vừa thông báo dành nguồn vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn trung bình 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu ở các ngành gạo, thuỷ sản, dệt may, gỗ, cà phê, trong đó dành riêng 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Đặc biệt, VIB dành thêm 50 triệu USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi với mục đích giải ngân tài trợ vốn lưu động, chiết khấu chứng từ với tỷ lệ tài trợ cao lên đến 95%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tiếp nhận một khoản vay dài hạn từ Quỹ đầu tư hỗ trợ các nước đang phát triển của Na Uy (Norfund) trị giá 15 triệu USD để bổ sung thêm vào nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Đây là khoản tín dụng gần đây nhất mà Techcombank nhận được từ các tổ chức tín dụng quốc tế nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Trước đó, ACB cũng có Chương trình "Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu" với quy mô 100 triệu USD. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là các ngành gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép... khi có nhu cầu sẽ được tài trợ vốn với lãi suất thấp hơn 0,5% so với cho vay thông thường.
Hiện tượng lãi suất giảm trên thực tế chưa đến được với nhiều doanh nghiệp nhưng rõ ràng khi mà một loạt các ngân hàng lớn - chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam hạ lãi suất thì khả năng tiếp cận với nguồn vốn với chi phí thấp dần chắc chắn sẽ ngày càng mở rộng.
Rất có thể thị trường sẽ xuất hiện một cuộc đua giảm lãi suất khi mà thị trường trái phiếu Chính phủ đang ngày càng sôi động hơn trong vài tuần gần đây với lãi suất trái phiếu 2, 3 và 5 năm trong phiên đấu thầu ngày 23/2 tất cả đều đã xuống dưới 11,5%.
Trong khi đó, cú giải phóng một bốn nhóm cho vay bất động sản khỏi phi tín dụng gần cuối năm ngoái đã phần nào nới dây siết của ngân hàng đối với các doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà còn các lĩnh vực khác do áp lực thu hồi vốn của ngân hàng giảm đi trông thấy.
Việc loại một số khoản cho vay ra khỏi phi sản xuất và chuyển sang gọi là không ưu tiên với tỷ lệ tín dụng 16% đã giúp ngân hàng có nhiều room để cho các doanh nghiệp vay mới hoặc/và đáo hạn các khoản chưa thể trả được. Hơn thế, điều quan trọng là lãi suất đang giảm, theo đó các doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian chống chọi với khó khăn cho tới khi nhu cầu thụ hàng hóa có khả năng chi trả phục hồi trở lại.
Mặc dù vậy, điều mà các doanh nhiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân mong chờ để có thể phục hồi và phát triển là lãi suất thực tế phải giảm thực sự và trên diện rộng. Điều này chỉ xảy ra khi lãi suất huy động phải tiếp tục giảm (và tiến tới là bỏ trần). Lãi suất thấp hiện tại mới chỉ áp dụng ở quy mô nhỏ, mang tính thành tích, PR nhiều hơn và rõ ràng là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có tiếp cận.
Nguồn tin: VEF