Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hạ lãi suất kinh doanh: Trông nhiều ở Ngân hàng Nhà nước

Muốn hạ lãi suất (LS) cho vay thì trước hết phải hạ LS huy động, vì Ngân hàng Thương mại (NHTM) hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn huy động. Nhưng đến các NHTM thì dù cho bảng hiệu thông báo là 11,2-11,3%/năm, thì thực tế nếu cộng các khoản hiện vật rồi quy ra bằng tiền thì LS huy động đã là 12%. Vậy làm sao doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận được ở mức lãi vay 10.5% - 12%/năm? Có lẽ cần hơn nữa những giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

NHTM không chắc về thanh khoản

Mặc dù thanh khoản của hệ thống NHTM đến thời điểm này được nhìn nhận là ổn, nhưng nhiều NH vẫn phải “phòng vệ” thanh khoản trong bối cảnh các NHTM cổ phẩn nhỏ luôn có xu hướng phá trần LS đồng thuận. Thêm nữa theo quy luật chung cầu về vốn thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu vốn cho sản xuất và tiêu dùng đạt mức cao nhất.

Vì vậy, các NHTM không dám hạ lãi suất nhiều/hoặc vẫn chỉ hạ hình thức (người gửi tiền vẫn được bù đắp lại bằng những món quà khuyến mãi hay thưởng có giá trị). Một yếu tố khác không kém phần quan trọng tác động đến luồng tiền tạm thời nhàn rỗi trong xã hội là việc hàng loạt các DN phát hành tăng vốn với giá bán bằng mệnh giá, hay bán trái phiếu DN với lãi suất cao kèm theo lợi ích chuyển đổi thành cổ phiếu lên đến nhiều chục ngàn tỉ đồng để mở rộng sản xuất - kinh doanh, đã thu hút không ít nguồn tiền gửi của NHTM. Vậy, cầu về vốn thì gia tăng trong khi nguồn cung lại bị tác động giảm khiến cho việc giảm LS cho vay của hệ thống NH trở nên khó khăn hơn.

Điều này cho thấy hiện nay nếu để các NHTM tự lực cánh sinh về vốn và tự hạ LS trong thời gian ngắn sắp tới khó có thể thành hiện thực. Căn cứ vào dư địa các chính sách tiền tệ (CSTT) mà NHNN còn có thể sử dụng như: Hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất cho vay chiết khấu/tái chiết khấu, tác động làm giảm lãi suất trên thị trường liên NH... không còn nhiều.

Một số ý kiến cho rằng “bơm vốn giá rẻ” thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với kỳ hạn dài hơn nhằm tăng cường thanh khoản của NHTM ở mức chắc chắn hơn có thể xem là giải pháp duy nhất hiện nay để tác động mạnh nhất, có hiệu ứng tích cực ngay đến việc giảm LS cho vay của hệ thống NHTM, tránh được tình cảnh NHNN phải yêu cầu các NHTM hạ LS cho vay như hiện nay.

Theo NHNN thì trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã tăng lượng tiền cung ứng thông qua nhiều công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT), kể cả việc hỗ trợ thanh khoản trực tiếp cho các NHTM có quy mô nhỏ. Thế nhưng tại sao bơm vốn ra nhiều mà LS kinh doanh của các NHTM chưa giảm mạnh? Có lẽ nguyên nhân là ở chỗ chưa giải quyết được triệt để vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan như: NHTM được NHNN bơm vốn hỗ trợ thanh khoản nghĩa là họ đã có lợi ích tránh được nguy cơ phải đối diện với tình trạng tuyên bố phá sản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Vậy thì NHTM phải có nghĩa vụ gì? Làm sao ràng buộc được nghĩa vụ này để NHTM buộc phải hạ LS kinh doanh? NHNN bơm vốn đảm bảo an toàn thanh khoản cho các NHTM giúp họ củng cố hoạt động và vượt qua được giai đoạn khó khăn, giữ được thì NHNN phải có quyền gì để tác động đến hoạt động của các NHTM với mục tiêu lành mạnh thị trường tài chính đảm bảo lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế? Thử hỏi hiện tại có DN nào được Nhà nước bảo trợ thanh khoản, được vay vốn giá rẻ để chống chọi với suy thoái kinh tế như nhiều NHTM đang có.

Vẫn có thể làm cho đầu vào của NHTM rẻ hơn

Để góp phần cùng NHTM hạ lãi suất cho vay, NHNN nên thực hiện đồng thời hai biện pháp (kinh tế và hành chính), trong đó biện pháp kinh tế đóng vai trò quan trọng nhất.

(i) Biện pháp kinh tế: NHNN bơm vốn qua OMO với LS thấp, điều kiện có nới so với bình thường, ví dụ với mức LS cho vay 5%-6%/năm. Nhưng phải bơm đủ với thời gian khá dài (khoảng 6 tháng). Tốt nhất là trước tết âm lịch 2011 thì các NHTM phải cơ bản trả xong nợ này.

Các NHTM nhận nguồn vốn hỗ trợ phải có nghĩa vụ tập trung vào huy động vốn đúng với mức LS huy động đã được Hiệp hội Ngân hàng đồng thuận, chỉ được tăng dư nợ tương đương với số tiền trả nợ vay NHNN. Điều này giúp NHTM tập trung củng cố lại hoạt động, cơ cấu danh mục đầu tư, tăng cường quản trị rủi ro, không sa đà vào tăng trưởng mở rộng nếu như cơ cấu nguồn vốn của NHTM đó chưa thật sự vững chắc.

Bên cạnh đó, NHNN nên sử dụng hết dư địa chính sách còn lại trong các lĩnh vực như hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tiền gửi thanh toán, hạ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, tác động giảm giảm LS cho vay trên thị trường liên NH... cũng sẽ giúp NHTM hạ LS bình quân đầu vào. Phải thấy rằng việc hạ LS đầu vào còn giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa LS VND và LS USD, có tác dụng đến việc ổn định tỉ giá mục tiêu của NHNN.

(ii) Biện pháp hành chính: Ban hành chuẩn mực hoạt động của NHTM theo hướng chặt chẽ hơn; mạnh dạn công bố thông tin về tình hình hoạt động của từng NHTM để thị trường có cơ sở phân định/phân loại NH. Chỉ có sự ứng xử của thị trường mới làm NHTM phải cố gắng vươn lên giữ uy tín trên thương trường; kèm theo là những chế tài xử phạt hành chính nghiêm khắc và đủ sức răn đe những hành vi sai phạm để không dám tái diễn nữa.

Nguồn: stockbiz

ĐỌC THÊM