Còn quá nhiều bất cập sau nhiều năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá lại hệ luỵ của dự án trước khi tái khởi động.
Kỳ vọng thành thất vọng
Cuối năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tổng thể dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Những hố sâu để lại sau khi công ty cổ phần sắt Thạch Khê bóc đất tầng phủ. Những núi cát nay cũng đã bị
doanh nghiệp khai thác, bán đi số lượng lớn, không thể hoàn thổ
Địa phương này cho biết, quá trình triển khai dự án qua còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng và khu vực lân cận.
Là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á thế nhưng sau thời gian dài đi vào khai thác, quy hoạch của dự án chưa được phê duyệt dẫn đến chưa có cơ sở pháp lý, thực tiễn để xác định chính xác việc bố trí các công trình, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, hệ thống giao thông, bãi thải.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển khu kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là cung cấp nguyên liệu cho công ty Formosa. Thế nhưng, đến nay Formosa vẫn chưa có ý kiến về việc sử dụng nguyên liệu từ mỏ sắt này.
Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu triển khai dự án phải đảm bảo quặng sắt Thạch Khê được sử dụng luyện phôi và thép tại Hà Tĩnh.
Thế nhưng, ngày 25/11/2016, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tạm dừng dự án nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm là chưa đúng với chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn hộ dân thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà, dự án hoạt động thời gian khá dài nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tổng thể và cụ thể về tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương gây bức xúc trong nhân dân.
Bài học môi trường cay đắng
Ngay sau khi chịu ảnh hưởng cay đắng từ sự cố môi trường biển hồi tháng 4/2016, tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm đến việc quan trắc, xử lý chất thải và phương án bảo vệ môi trường tại các dự án lớn, đặc biệt là tại đại dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ TN&MT phê duyệt đến nay đã hơn 3 năm, nhiều văn bản pháp luật đã hết hiệu lực thi hành hoặc đã được thay thế. Tuy nhiên, một số nội dung của báo cáo ĐTM còn chung chung, sơ sài, phần kiến nghị đề xuất chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường.
Do đó, trong trường hợp tái khởi động, Hà Tĩnh yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phương án lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động giám sát các số thông số; cần đánh giá, nghiên cứu kỹ các điểm xả thải ra sông, biển.
Làm rõ đánh giá tác động môi trường đến vùng, dải ven biển, tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khu du lịch Thiên Cầm, Thạch Bằng và tác động môi trường, sụt lở đất đến các địa phương lân cận như huyện Lộc Hà, TP Hà Tĩnh.
“Đây là dự án lớn, có nhiều loại và nhiều nguồn chất thải, trong đó có cả các chất thải nguy hại; vì vậy, cần xây dựng phương án cụ thể về phân loại, phân nguồn chất thải; phương án xử lý đối với từng loại chất thải, địa điểm, đơn vị xử lý chất thải theo quy định”, tỉnh Hà Tĩnh cho hay.
Kiên quyết dừng dự án nếu…
Ngay những ngày đầu khởi động dự án, với những cổ đông lớn như: Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; MITRACO; Tổng công ty thép Việt Nam – VNSTEEL; Công ty TNHH Tập đoàn BITEXCO; công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, rất kỳ vọng cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Một người dân xã Thạch Hải bị thất lạc mộ người thân khi dự án này bóc đất tầng phủ
Thế nhưng, điều oái ăm là dù hoạt động nhưng nhiều cổ đông không góp đủ vốn đối ứng, thậm chí có cổ đông xin rút vốn khi dự án còn thai nghén.
Để chữa cháy, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long khẳng định sẽ góp thay 3 cổ đông còn lại khi dự án khởi động trở lại. Nhưng thực tế cho thấy tiềm lực tài chính của các cổ đông đang là vấn đề lớn so với yêu cầu về năng lực của chủ đầu tư khi triển khai dự án.
Từ đó, Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, rà soát, đánh giá lại toàn bộ dự án; làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội; quy hoạch, công nghệ, kỹ thuật khai thác, chế biến; thị trường tiêu thụ sản phẩm; phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương; đánh giá tác động môi trường.
Khi chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung trên thì đề nghị chưa khởi động lại dự án; đồng thời quy định thời hạn cụ thể của việc rà soát, đánh giá hoàn thiện các nội dung liên quan của dự án.
Nguồn tin: Thiên nhiên