Khói, bụi thải ra từ Nhà máy thép Ðana - Ý và Công ty sản xuất thép Thái Bình Dương đã làm cho gần 100 hộ dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng) hằng ngày phải sống trong môi trường ô nhiễm.
Anh Hà Thanh Trung ở thôn Vân Dương 2 bức xúc: Không chỉ có khói nhiễm bụi bẩn mà tiếng ồn của hai cơ sở sản xuất thép còn làm cho nhiều người mất ngủ. Không ít nhà đã phải thuê, mượn nhà nơi khác để tá túc, vì không chịu được khói, bụi. Chậu nước sinh hoạt cũng nhiễm bụi đen xì. Chị Huỳnh Thị Mạnh cũng ở thôn Vân Dương 2 cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường do hai cơ sở sản xuất thép đã lan ra cả vùng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe nhiều người. Một số cán bộ Nhà máy thép Ðana - Ý và Công ty sản xuất thép Thái Bình Dương thừa nhận: Theo quy định, nhà dân phải cách nhà máy ít nhất 300 m, nhưng nhiều nhà ở đây chỉ cách... một mét, cho nên khó tránh khỏi ô nhiễm, mặc dù thiết kế của các nhà máy sản xuất thép đã áp dụng công nghệ lọc bụi hiện đại.
Ðược biết, năm 2006, khi quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh ở huyện Hoà Vang, thành phố Ðà Nẵng đã tính đến việc di dời các hộ dân để khỏi bị ảnh hưởng hoạt động của Nhà máy thép Ðana - Ý và Công ty sản xuất thép Thái Bình Dương. Ðến nay đã hơn ba năm, người dân ở thôn Vân Dương 2 vẫn phải sống chung với bụi từ hai cơ sở sản xuất thép. Trách nhiệm này của ai?
NGUYỄN LÊ (Ðà Nẵng)
Biết gửi đơn ở đâu?
Năm 1997, chị Tiết Thị Thúy kết hôn với anh Hồ Lê Hùng, ở số 2, tập thể X70 Hải quân 415 Ðoạn Xá, phường Ðông Hải 1 (Hải An, TP Hải Phòng). Anh chị có với nhau hai con gái, cháu lớn 13 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi. Cách đây hơn hai năm, giữa hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, nguyên nhân một phần là do chị Thúy không sinh được con trai. Mâu thuẫn vợ chồng căng thẳng, ba mẹ con chị Thúy phải về sống nhờ nhà ông bà ngoại (ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Sau đó, chị Thúy làm đơn phản ánh sự việc mâu thuẫn gia đình gửi tới các cơ quan pháp luật đề nghị bảo vệ quyền lợi của chị và các con. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, đơn của chị Thúy cứ chuyển đi, chuyển lại giữa các cơ quan mà chưa được xem xét, giải quyết cụ thể.
Ðầu tiên là ngày 26-12-2011, Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân có phiếu chuyển đơn số 346/KN-TC trả lời chị Thúy "Sau khi nghiên cứu đơn của chị, theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật Hải quân. Chúng tôi chuyển đơn trả lại chị, đề nghị chị liên hệ với Toà án dân sự để được xem xét giải quyết". Tiếp đó, Văn bản số 112/ÐTHS ngày 28-12-2011 của Phòng Ðiều tra Hình sự Bộ Tư lệnh Hải quân trả lời "Sau khi nghiên cứu đơn của chị Thúy xác định không thuộc thẩm quyền của Phòng Ðiều tra Hình sự Quân chủng Hải quân, mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an địa phương". Theo đúng văn bản trả lời, hướng dẫn của hai cơ quan này, chị Thúy mang đơn gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải An (là nơi vợ chồng chị cùng sinh sống trước đây). Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu đơn, ngày 3-2 vừa qua, Công an quận Hải An lại bất ngờ có Văn bản số 113/TB trả lời chị Thúy như sau "vụ việc không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải An, chúng tôi chuyển đơn đến Phòng Ðiều tra khu vực I Bộ Tư lệnh Hải quân để giải quyết theo thẩm quyền".
Theo cách thức trả lời của các cơ quan chức năng nêu trên, hiện nay, đơn của chị Tiết Thị Thúy chưa rõ sẽ do cơ quan nào đứng ra xem xét, giải quyết. Thiết nghĩ, sự việc dù đúng sai thế nào cũng cần được các cơ quan pháp luật ở địa phương hướng dẫn cụ thể hoặc tiếp nhận, xử lý dứt điểm, không nên lưu chuyển vòng vo, luẩn quẩn, từ nơi này tới nơi khác nhiều lần đến như vậy.
Nguồn tin: Nhandan