Diễn biến của nhóm cổ phiếu thép trong hai năm qua gợi liên tưởng tới giai đoạn 2016 - 2018.
Lợi nhuận tăng vọt nhờ chu kỳ siêu hàng hóa
Giai đoạn 2016 - 2018 được xem là khoảng thời gian hạnh phúc của cổ đông một loạt doanh nghiệp ngành thép như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen...
Trong giai đoạn này, các cổ phiếu thép đều có mức tăng đáng kể, cổ phiếu HPG của Hòa Phát ghi nhận mức tăng giá 384%, cổ phiếu NKG của Nam Kim đạt mức tăng hơn 400%, cổ phiếu HSG của Hoa Sen ghi nhận mức tăng giá hơn 250%.
Sở dĩ nói diễn biến của nhóm cổ phiếu thép trong hai năm qua gợi liên tưởng đến giai đoạn 2016-2018 là vì 2020-2021 là những ngày tháng tuyệt vời với hàng loạt doanh nghiệp ngành thép, cũng như những cổ đông, nhà đầu tư của các doanh nghiệp thép.
Lịch sử P/E của 3 cổ phiếu HPG, HSG và NKG. |
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành là HPG đã tăng 271%, còn nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, mức tăng là 75%. Cổ phiếu NKG và HSG cũng cho thấy mức tăng giá ấn tượng khi thị giá NKG tăng hơn 694% so với đáy quý I/2020 và tăng 264% so với đầu năm 2021, còn HSG ghi nhận mức tăng 538% so với đáy cuối quý I/2020 và tăng hơn 110% so với đầu năm 2021.
Đà tăng của cổ phiếu ngành thép được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh đột biến. Chẳng hạn, tại Hòa Phát, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng 78,22% trong năm 2020 và 206% trong 9 tháng đầu năm 2021. Với Nam Kim, lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt mức tăng trưởng 523% và 1.153%.
Với Hoa Sen, trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc vào ngày 31/3/2021, lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 336% so với cùng kỳ.
Yếu tố chủ yếu giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng đột biến là giá thép. Giá thép trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do nhu cầu phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép thành phẩm và nguyên liệu thô, qua đó giúp doanh thu tăng trưởng mạnh và biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Cụ thể, từ tháng 10/2020, giá thép liên tục tăng từ vùng hơn 3.600 Nhân dân tệ/tấn, đạt đỉnh gần 6.000 Nhân dân tệ/tấn vào tháng 10/2021.
Diễn biến giá thép từ năm 2017 đến nay. Nguồn: TradingEconomic. |
Giai đoạn ngọt ngào nhất đã qua
Sau giai đoạn liên tục tăng, giá thép lao dốc từ vùng đỉnh gần 6.000 Nhân dân tệ/tấn về chỉ còn gần 4.300 Nhân dân tệ/tấn vào cuối tháng 11/2021, tương đương mức giảm hơn 28,3% trong vòng 1 tháng.
Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến thị giá của các cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo UBS Report, giá thép sụt giảm xuất phát từ sự suy giảm nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô và cung - cầu thép bắt đầu quay lại trở lại vùng cân bằng. Giá thép vốn đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi trong nhu cầu từ các lĩnh vực sản xuất.
Ông Mark Fields, Giám đốc bán hàng Western States Metal Roofing dự báo, giá thép sẽ có xu hướng chững lại trong năm 2022 khi lượng hàng tồn kho có sẵn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường toàn cầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần nhất đã quyết định nâng mức giảm mua tài sản lên 30 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 12/2021, sau đó sẽ đẩy nhanh mức giảm hơn nữa vào năm 2022. Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối mùa Đông hoặc đầu mùa Xuân, Fed dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất.
Mối quan hệ giữa lãi suất và chỉ số giá hàng hóa toàn cầu. |
Các dự báo được công bố cho thấy, các quan chức Fed dự kiến sẽ có ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, hai lần vào năm 2023 và hai lần nữa vào năm 2024. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa sẽ giảm, bởi liên quan đến chi phí lưu kho của doanh nghiệp.
Giá thép thế giới đi xuống sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có hàng tồn kho giá cao trước đó.
Tính đến hết quý III/2021, Nam Kim dẫn đầu tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho, đạt 217% so với hồi đầu năm. Tiếp theo là Hoa Sen với hơn 127% so với đầu kỳ, Hòa Phát là hơn 75%.
Vì vậy, nếu trong thời gian tới, giá thép thế giới tiếp tục điều chỉnh hoặc duy trì mặt bằng quanh vùng giá 4.200 - 4.300 Nhân dân tệ/tấn, Nam Kim và Hoa Sen sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với Hòa Phát.
Yếu tố tích cực với ngành thép là Chính phủ đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, vốn đầu tư công ước đạt 2.164.500 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2019, chiếm 34,4% GDP. Trong giai đoạn 2021 - 2023, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực duy trì tăng trưởng nhóm ngành thép.
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 phấn đấu đạt 95 - 100% kế hoạch.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới liên tục tung ra gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế sau khi bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, nhiều chính sách tài khóa của các quốc gia hướng đến thúc đẩy cơ sở hạ tầng khiến giới đầu tư đặt niềm tin về siêu chu kỳ hàng hóa. Giá thép cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ siêu chu kỳ này và các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu tăng “nóng” trong thời gian qua và những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặt bằng P/E của các cổ phiếu ngành thép được cho là không còn nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán