Ngày 4/11, Sở Công Thương và Hiệp hội DN trẻ TP Hải Phòng đã tổ chức Buổi tọa đàm bàn giải pháp “cứu” các DN thép. Tham gia diễn đàn có các DN thép, chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn thành phố.
Các DN nghiệp thép cho rằng, tình trạng khủng hoảng của kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, các DN cũng thẳng thắn nêu ra sai lầm trong dự báo, vào thời điểm đầu năm 2008, khi giá phôi thép trên thị trường tăng cao, nhiều chuyển gia và một số nhà quản lý cho rằng “sẽ thiếu thép trong quý IV” nên dẫn đến quyết định tăng thuế suất xuất khẩu phôi thép, làm mất cơ hội của các DN, gây thiệt hại lớn. Vì thế, việc điều chỉnh giảm thuế suất xuống còn 0% như hiện nay vẫn không “cứu nổi” các DN thép trong nước khi mà giá phôi thép trên thế giới chỉ còn 320 USD/tấn, giảm 70% so với đầu năm 2008. Hiện giá phôi thép nhập khẩu chỉ bằng 40% so với giá thành sản xuất trong nước. Do vậy, nếu tiếp tục sản xuất, các DN sẽ phải bù lỗ thêm ít nhất 50% giá vốn.
Để “cứu” ngành thép, Giám đốc Công ty thép Nam Vang cho rằng, vấn đề cấp bách lúc này là Chính phủ cần ra tay “ngăn” thép ngoại bằng việc áp thuế nhập khẩu. Đây là động thái nhằm ngăn chặn sự tấn công của thép giá rẻ từ Trung Quốc và một mặt để cứu ngay chính các DN thép trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ và cho vay các DN sản xuất thép vốn ưu đãi với tỷ lệ 25% vốn điều lệ. Đồng thời cho phép các DN thép lùi hạn nộp thuế của DN. Đồng thời, Nhà nước phải có biện pháp khởi động lại các dự án trọng điểm nhằm kích cầu mặt hàng thép trong nước. Có ý kiến lại cho rằng Tổng công ty Thép Việt Nam (đơn vị nắm giữ phần lớn vốn Nhà nước) nên mua lại thép của các DN trong nước nhằm giải quyết tình trạng thép tồn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các DN thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không tránh khỏi khó khăn chung của ngành thép.
Một số DN cho rằng, trước khi chờ Nhà nước đưa ra giải pháp thì trước hết các DN thép phải tự “cứu” mình. Phó Tổng giám đốc Công ty thép Việt- Úc cho rằng, các DN nên rà soát chi phí, cần phối hợp giữa các DN thép với nhau, thỏa thuận giá và tiêu thụ hàng của các DN trong nước, hạn chế nhập tiếp thép từ bên ngoài. Đồng thời, các DN có thể tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực nhằm vượt qua cơn khủng hoảng này. Bên cạnh đó, các DN cần có phương án lâu dài để đối phó với tình trạng biến động thị trường thép tương tự như hiện nay.
Dự báo từ nay đến đầu 2009, thị trường thép trong nước sẽ vẫn còn ảm đạm. Lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước xuống 12%/năm và các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay với mức lãi suất cho vay là dấu hiệu tốt để cứu vãn các DN thép. Tuy nhiên, để các DN thép thực sự qua cơn bĩ cực cần có nhiều chính sách khác và ngay cả chính các DN thép cũng cần có sự “đề kháng” cho chính mình.
(Vinanet)