Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hạn chế xuất khẩu thép vì... điện

Bộ Tài chính đã đề xuất mức thuế suất thuế xuất khẩu 3% với một số loại thép và phôi thép, nhằm điều tiết lại lợi nhuận của doanh nghiệp thép do được dùng điện giá rẻ. Song doanh nghiệp thép cho rằng, họ không hưởng lợi từ giá điện.

Theo lý luận của Bộ Tài chính, giá điện rẻ đang làm lợi cho các doanh nghiệp thép. Năm 2011, mặc dù giá điện bình quân đã tăng 1.242 đồng/kWh, song vẫn thấp hơn mức để ngành điện không lỗ (khoảng 1.777 đồng/kWh) và các doanh nghiệp thép được hưởng lợi từ giá điện là 535 đồng/kWh. Nếu ngành thép chỉ phải trả giá điện theo mức giá bình quân từ ngày 1/3/2011, thì lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá điện của việc sản xuất 1 tấn thép từ luyện quặng, phế liệu sẽ là 214.000 đồng/tấn (lò hiện đại) và 321.000 đồng/tấn (lò luyện lạc hậu). Như vậy, lợi nhuận có được từ việc hưởng lợi giá điện thấp của các doanh nghiệp thép là từ 10-15 USD/tấn thép.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất thu thuế xuất khẩu 3% với các mặt hàng thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn và tôn mạ kim loại, sơn phủ màu, nhằm hạn chế tình trạng xuất khẩu các loại thép này do được hưởng lợi từ giá điện rẻ.

Trước đó, vào tháng 8/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các chủ đầu tư dự án thép có nhu cầu điện từ 100 MVA trở lên phải tự xây dựng nguồn điện để sử dụng. Phần điện dư thừa sẽ bán lại cho hệ thống điện quốc gia. Theo thống kê của EVN, giá điện bán cho thép ở Thái Lan là 8,12 UScents/kWh, Singapore là 14,1 UScents/kWh; Indonesia là 6,7 UScent/kWh, cao hơn nhiều so với giá điện bán cho ngành thép ở Việt Nam. Thực tế này cũng được nhiều cơ quan chức năng và các chuyên gia xem là một nguyên do dẫn tới tình trạng ào ào đổ bộ đầu tư vào ngành thép thời gian qua.

Để cấp điện cho các dự án gang, thép nói trên, EVN đã phải đầu tư hàng trăm máy biến áp, công suất đặt trên 1.205 MVA. Tuy mới sử dụng dưới 50% công suất đặt, nhưng hàng năm, các nhà máy thép này đã tiêu thụ khoảng 3.500 triệu kWh. Nhu cầu sử dụng điện tại các nhà máy gang thép đổ bộ thời gian qua cũng góp phần khiến ngành điện “oằn lưng” đầu tư, với dự tính chi hơn 30.000 tỷ đồng để xây mới nguồn và lưới điện, nhằm đảm bảo cấp điện cho các dự án gang, thép.

Ủng hộ việc sớm cho ngành điện tính đủ giá thành theo cơ chế thị trường góp phần thúc đẩy các công ty trong ngành thép cải tiến thiết bị và công nghệ giảm tiêu hao điện năng và giảm giá thành, nâng cao tính cạnh trạnh của sản phẩm thép ở trong nước và thế giới, nhưng ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho hay: “Giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp, vì thế lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi đã tính đủ giá điện do EVN đề nghị”.

Theo VSA, trong các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi (600 KWh/tấn), còn các sản phẩm khác chỉ tiêu hao 100 - 120 KWh/tấn. Trong khi đó, tăng sản xuất phôi trong nước là chủ trương của Nhà nước để giảm bớt phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài, chứ không nhằm mục tiêu xuất khẩu. Con số 11.300 tấn phôi thép được xuất khẩu trong năm 2010 được VSA cho hay, là của doanh nghiệp thương mại, tái xuất sau khi tạm nhập trước đó.

Cũng bởi thực tế tiêu thụ trong ngành thép ở các sản phẩm mới đang chiếm từ 34% đến 75%, nên việc xuất khẩu thép được VSA cho là cần khuyến khích để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân.

Dẫu vậy, một chuyên gia lâu năm trong ngành thép cũng cho hay, với mức lãi lớn ở nhiều doanh nghiệp thép hiện nay, thì việc đổ bộ đầu tư vào ngành thép vẫn cứ diễn ra. Nguy cơ dư thừa thép cũng vì thế mà khó có thể chặn lại được.

Theo công bố của một số doanh nghiệp lớn của ngành thép, năm 2010, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát là 1.376 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp của ngành hàng sắt thép chiếm khoảng 36%. Còn tại Công ty cổ phần Thép Pomina, lợi nhuận sau thuế cũng đạt gần 660 tỷ đồng với các ngành nghề kinh doanh chính được liệt kê đều liên quan đến sắt thép...

Nguồn tin: Baodautu

ĐỌC THÊM