Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hàng tồn kho: Bài toán cân não

Quản trị hàng tồn kho thế nào trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, sức tiêu thụ giảm do yếu tố mùa vụ lẫn nền kinh tế gặp khó khăn? Đó là câu hỏi làm đau đầu không ít nhà quản trị doanh nghiệp.
 
 
Ngành thép đang chịu tác động tiêu cực nhất do sức cầu sụt giảm 50% bởi thị trường bất động sản “nằm im”

Hàng tồn kho: Con số và những hệ lụy

Hàng tồn kho tăng, vòng quay chậm lại, trong khi doanh số bán hàng giảm sút cho thấy thực trạng về cung và cầu hàng hóa khi nền kinh tế gặp khó khăn. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/7/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó, những ngành có chỉ số hàng tồn kho cao là: sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 92,4%; đồ uống không cồn tăng 84,4%; cáp điện và dây điện tăng 73,5%; vật liệu xây dựng tăng 22,3%... Trong đó, ngành thép đang chịu tác động tiêu cực nhất do sức cầu sụt giảm 50% bởi thị trường bất động sản “nằm im”.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 6 là 270.000 tấn, giảm 30,7% so với tháng 5, tổng lượng thép tồn kho là 430.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Điểm qua qua báo cáo tài chính quý II/2011 của một số công ty thép, tình trạng phổ biến là hàng tồn kho tăng, tiền mặt giảm, công nợ của khách hàng tăng, kết quả từ việc hàng hóa tiêu thụ chậm, bị đọng vốn. Đối với CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), theo báo cáo tài chính quý II của công ty mẹ, giá trị hàng tồn kho của TLH tăng lên 229 tỷ đồng, khoản phải thu khách hàng tăng thêm là 148 tỷ đồng (so với đầu năm). Hơn nữa, sức tiêu thụ thép giảm rõ rệt được thể hiện qua số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho nhảy vọt lên 323 ngày (so với cùng kỳ năm ngoái là 198 ngày). Hệ lụy các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thép đang phải đối mặt là chấp nhận công nợ khách hàng tăng lên nhằm “dọn dẹp” hàng tồn kho trên bảng cân đối. Tuy nhiên, việc kiến tạo doanh thu khá miễn cưỡng này sẽ tạo sức ép lên việc thu hồi nợ của khách hàng nếu không muốn ghi nhận thành nợ xấu.

Cân đối vốn lưu động

Vòng quay hàng tồn kho chậm lại buộc doanh nghiệp phải cân đối vòng quay các tài sản khác để bù đắp vốn lưu động: giãn nợ phải trả, tăng tiền ứng trước của người mua, kể cả tiếp cận vốn vay ngân hàng nếu cần thiết trong khi lãi suất cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lựa chọn giữa đầu tư hàng hóa để đảm bảo yếu tố mùa vụ hoặc gửi tiền mặt để sinh lời không dễ dàng trong tình hình kinh doanh khó khăn. Chẳng hạn, với CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), sức tiêu thụ sản phẩm của công ty này đang có dấu hiệu chậm lại, khi số ngày bình quân của vòng quay hàng tồn kho tăng lên (từ 250 ngày tăng lên 306 ngày). Hàng tồn kho (đường thành phẩm) đã tăng lên gấp 4 lần so với đầu năm, 436 tỷ đồng. Ngoài ra, do LSS đầu tư vào vùng trồng nguyên liệu, các khoản phải thu tăng 146 tỷ đồng, chi phí trả trước tăng 219 tỷ đồng khiến cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm xuống 424 tỷ đồng. Cách cân đối vốn lưu động của LSS không nằm ngoài dự tính, họ phải vay nợ ngắn và dài hạn từ ngân hàng 256 tỷ đồng để bù đắp việc đầu tư hàng tồn kho phục vụ sản xuất. Giá hàng hóa giảm, bị đọng vốn do lượng tồn kho lớn, trong khi lãi vay cao là nguyên nhân chính gây ra tình hình căng thẳng tài chính của các công ty mía đường thời gian qua.

Tích trữ hàng hóa và dự báo giá

Đối với nguồn nguyên liệu buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài như đồng, phôi thép, hạt nhựa…, doanh nghiệp sản xuất phải ứng phó với biến động thất thường của giá nguyên liệu do chịu tác động trực tiếp của thị trường thế giới, chưa kể rủi ro chênh lệch tỷ giá.

Đối với CTCP Cáp Sài Gòn (CSG), dự báo trước tình hình giá đồng nguyên liệu, công ty này đã tích trữ khoảng 100 tấn đồng nguyên liệu với giá trị 34 tỷ đồng vào cuối năm 2010 (tương đương mức 3.500-3.600 USD/pound). Giá đồng hiện nay là 4.450 USD/pound, mặc dù đã từng giảm về 3.900 USD/pound trong tháng 4, CSG sẽ có khoản chênh lệch đáng kể nếu đánh giá lại hàng tồn kho tích trữ.

Khối lượng tích trữ của CSG ở trên chỉ bằng 1% sản lượng dây đồng sản xuất cả năm của công ty. Còn với Nhựa Tiền Phong, công ty này thường nhập lượng hàng đủ cho sản xuất trong 1-2 tháng cho dù giá tăng, nên không gặp rủi ro lớn nếu giá biến động. Vì vậy, quan điểm thận trọng khi nhập khẩu hàng hóa cũng cần thiết không kém so với việc dự báo diễn biến giá, nhằm tránh thua lỗ khi giá giảm nếu đánh giá lại hàng tồn kho. Lợi nhuận biên của các doanh nghiệp sản xuất tỷ lệ thuận với mức chênh lệch hấp dẫn giữa giá nhập nguyên liệu và thị giá hiện tại. Điều này phụ thuộc quyết định sáng suốt và nhanh nhạy của bộ máy điều hành khi nhập hàng hóa nguyên liệu.

Linh hoạt trong hạch toán

Phương pháp hạch toán hàng tồn kho có thể tác động lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo chuẩn mực kế toán (VAS) của Việt Nam, 4 phương pháp hạch toán hàng tồn kho được áp dụng: giá đích danh, bình quân gia quyền, nhập trước xuất trước (FIFO), nhập sau xuất trước (LIFO), trái ngược với chuẩn mực quốc tế (IAS) đã loại bỏ phương pháp LIFO từ năm 2003.

Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng, nhưng hầu hết doanh nghiệp hiện nay thường sử dụng  phương pháp bình quân gia quyền. Theo đó, thay đổi về giá hàng tồn kho được bình quân hóa theo tỷ trọng khối lượng nhập, phản ánh tương đối hợp lý lợi nhuận biên. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thay đổi phương thức hạch toán theo từng thời kỳ nhằm đạt lợi ích tối đa: ghi nhận lỗ để giảm thuế hoặc lãi để tạo ấn tượng với cổ đông. Ví dụ như Công ty Đầu tư thương mại SMC (phân phối và sản xuất thép xây dựng) bất ngờ thay đổi phương pháp ghi nhận hàng tồn kho (đăng ký với cơ quan thuế) khi giá thép giảm mạnh cuối năm 2008. Thay vì phương pháp bình quân gia quyền, SMC sử dụng phương pháp LIFO để “triệt tiêu” lượng thép nhập giá cao mà không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cuối quý IV/2008, trong khi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép lớn đều bị lỗ do trích dự phòng giảm giá như Hòa Phát thông báo lỗ 232 tỷ đồng thì SMC vẫn công bố lãi 13,3 tỷ đồng. Rõ ràng, luật kế toán có những khoảng trống nhất định cho doanh nghiệp lựa chọn cách hạch toán có lợi nhất cho họ.

Quản trị hàng tồn kho là đòn cân não với nhà quản trị. Họ phải quyết định giữa lợi ích nhập hàng/sản xuất hàng với kênh đầu tư sinh lời khác, đồng thời giảm thiểu rủi ro ách tắc hàng hóa với khối lượng lớn nếu giá biến động mạnh hay sức cầu sụt giảm. Hơn thế nữa, khả năng cân đối vốn lưu động là yêu cầu tối quan trọng để tránh tình trạng khan hiếm tiền mặt xảy ra khi tích trữ hàng tồn kho. Những doanh nghiệp dẫn đầu luôn chủ động trong quản trị hàng tồn kho nhờ lợi thế kinh doanh và kể cả linh hoạt trong cách hạch toán nếu cần thiết.

Nguồn tin: DDDN

 


 

ĐỌC THÊM