Hàng trăm ngàn tấn hàng hóa đang ứ đọng ở các cảng biển tại Q.7 vì quyết định 66/2011 của UBND TP.HCM về hạn chế giờ xe tải lưu thông và do Sở Giao thông vận tải lắp đặt biển báo cấm xe tải lưu thông trên vài tuyến đường Q.7 không phù hợp.
Kẹt xe trên liên tỉnh lộ 25B và đại lộ Đông - Tây (Q.2, TP.HCM) ngày 12-11 - Ảnh: Bá Sơn |
Xem video do phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện |
Sáng 22-11, chúng tôi đến cảng Lotus (dưới chân cầu Phú Mỹ, Q.7) đã thấy cảng đình trệ với các xe cẩu bốc dỡ hàng hóa, container ngừng hoạt động. Dưới chân các xe cẩu là hàng trăm cuộn thép (mỗi cuộn nặng 10-25 tấn) nằm la liệt trên mặt cầu cảng. Một cán bộ của cảng Lotus cho biết cầu cảng là nơi dành cho xe cẩu bốc dỡ hàng, nhưng do bãi chứa hàng chật kín nên phải xếp tạm ở đây.
Tại khu vực bãi chứa hàng, đang ứ đọng hàng ngàn tấn thép, thiết bị máy móc... Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Bông Sen - cảng Lotus, cho biết do hạn chế giờ xe chạy và việc lắp đặt biển báo cấm xe tải trên đường ở Q.7 không phù hợp đã làm cảng tồn đọng gần 200.000 tấn hàng hóa.
Tương tự, ở cảng Tân Thuận 2 (thuộc cảng Sài Gòn, Q.7) do bãi không còn chỗ chứa hàng hóa nên cảng cho đặt hàng ngàn tấn thép nằm dọc lối đi từ văn phòng cảng đến bãi chứa hàng. Tại bãi chứa hàng hóa chật kín hàng hóa, ông Mai Văn Cự - giám đốc cảng Tân Thuận 2 - cho biết cảng đang tồn đọng 20.000 tấn hàng hóa. Ông Cự cho biết cả bốn chiếc xe cẩu siêu trường siêu trọng của cảng cũng ngừng hoạt động do trước đây cảng hoạt động 24/24 giờ nay chỉ còn hoạt động từ 0g-6g sáng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Nguyễn Bảy (phó giám đốc cảng Biển Đông) cho biết nếu tiếp tục tình hình này hậu quả là các cảng phải đóng cửa.
Cũng theo ông Nguyễn Bảy, do thời gian hoạt động còn 6 giờ/ngày nên chi phí vận tải tăng thêm 15-20%. Thiệt hại không chỉ doanh thu của cảng giảm 50% mà hàng trăm lao động bốc xếp hàng hóa cũng giảm thu nhập vì thời gian lao động chỉ còn 6 giờ/ngày. Việc cấm xe tải lưu thông nhiều giờ vào nội thành đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cảng vì tàu biển phải lưu đậu thêm thời gian chờ bốc dỡ hàng hóa. Đồng thời gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khiến chi phí hàng hóa tăng lên.
Ông Mai Văn Cự bức xúc nói nhiều tàu đã từ chối cập cảng vì thời gian cảng bốc xếp quá ngắn. Cụ thể ngày 14-11, tàu Golden Time chở 6.000 tấn phân bón định cập cảng nhưng các đơn vị vận tải không chịu đưa xe đến cảng Tân Thuận do chỉ hoạt động từ 0g-6g sáng nên chủ hàng đã đưa tàu này đến cảng khác bốc hàng.
Trong văn bản ngày 14-11 gửi UBND TP.HCM, cảng Lotus đề nghị TP cần xem xét điều chỉnh lại giờ hoạt động cho xe tải lưu thông trên mấy tuyến đường ở Q.7 để xe tải thuận lợi đến cảng. Ngày 16-11, cảng Lotus tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải TP cho phép xe tải lưu thông 24/24 giờ ở đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) hướng từ Nguyễn Văn Linh đến Nguyễn Văn Quỳ...
Theo ông Hoàng Văn Nhượng - phó tổng giám đốc cảng Sài Gòn, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội cũng bị thiệt hại tương tự các cảng Tân Thuận 2, Lotus.
NGỌC ẨN
Kiến nghị nới lỏng quy định cấm xe Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có kiến nghị gửi UBND TP điều chỉnh thời gian cấm xe tải nặng lưu thông vào khu vực nội ô từ 6g-22g vì sau 22g hoạt động trên đường phố của người dân ít dần nên việc lưu thông của xe tải sẽ ít ảnh hưởng tới đời sống của bà con. Hiệp hội cũng kiến nghị UBND TP tiếp tục cho phép xe tải nặng được phép lưu thông trên tuyến đường liên cảng từ 9g-16g hằng ngày để tránh kẹt xe trên liên tỉnh lộ 25B, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải giải phóng hàng hóa tại các bến cảng, kho bãi... BÁ SƠN |
Nguồn tin:Tuổi trẻ