Lần đầu tiên, Việt Nam tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ từ một số thị trường nhập khẩu. Từ nay doanh nghiệp Việt sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh để lấy lại sự công bằng cho mình khi cạnh tranh với các DN nước ngoài về giá. Ngày 18-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm WTO tổ chức hội thảo "Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam - Kết quả và bài học kinh nghiệm”. | |
Ảnh: Hoàng Long Bước đi đầu tiên…
Lâu nay, các DN trong nước đã quá quen với các vụ kiện liên quan đến các rào cản thương mại khi đặt chân ra thị trường quốc tế. Song, hầu hết các DN của chúng ta là bị đơn, nguyên đơn là các DN của các nước nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Lý do chủ yếu là bởi các DN Việt Nam bán hàng với giá thấp nên gây ra thực trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh tại các thị trường nhập khẩu. Song đối với vụ việc lần này thì hoàn toàn ngược lại, DN Việt Nam là nguyên đơn còn các DN nước ngoài xuất khẩu thép vào Việt Nam chính là bị đơn. Nhận định về sự kiện này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - ông Phạm Chí Cường cho rằng, việc đưa ra Quyết định áp dụng chống bán phá giá đối với thép không gỉ của Bộ Công thương là rất thỏa đáng. Để đưa ra được Quyết định này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã có hơn một năm điều tra và phối hợp với một nước thứ 3 để đối chiếu về giá. Trên thực tế, không chỉ các DN ngành thép, mà nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực khác như may mặc, thủy sản, thực phẩm… đang rất cần phải xây dựng những rào chắn kỹ thuật để có thể ngăn chặn được các loại sản phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vào đe dọa ngành sản xuất trong nước. Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến thực trạng nhiều loại hàng nhập khẩu giá rẻ, chất lượng kém thâm nhập "lấn sân” hàng trong nước, song, các DN trong nước hầu như không có động tĩnh gì, nguyên nhân bởi chúng ta vẫn đang thiếu các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc nếu có thì thấp hơn so với các nước khác, do đó sẽ rất khó để chúng ta áp đặt lệnh chống bán phá giá và cấm nhập đối với các sản phẩm nước ngoài. Giới luật sư cho biết, muốn kiện hàng hóa của nước khác gây ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước thì phải có thông tin về mặt hàng đó ở nước họ, thông tin đó phải đủ điều kiện chứng minh có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp…, chúng ta mới có thể khởi kiện được. Trước đến nay, Việt Nam mới chỉ tạo được hàng rào về thủ tục hành chính nhưng hàng rào này cũng không phát huy được hiệu quả. Trở lại vụ việc của ngành thép, theo ông Cường, vụ việc này sẽ là bước đi đầu tiên giúp các DN trong nước hoạt động ở các lĩnh vực, ngành nghề khác có thêm tự tin, bản lĩnh khi khiếu kiện lên Bộ Công thương, các cơ quan của WTO để lấy lại sự công bằng trong vấn đề cạnh tranh về giá. Và từ đây, những DN nào sử dụng công cụ "giá” để đấu lại với các DN trong nước sẽ sớm bị loại khỏi thị trường. Tôm - mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam Vẫn còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa Tuy vậy, tại cuộc hội thảo về kiện chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam được Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng qua (18-9), đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho hay, những văn bản pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế. Cụ thể, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh) cho rằng, mặc dù mới chỉ qua thực tiễn của một vụ điều tra kiện chống bán phá giá đầu tiên, nhưng những quy định pháp luật về vấn đề này đã bộc lộ một số điểm cần phải sửa đổi. Nguyên nhân một phần là do Pháp lệnh Chống bán phá giá được xây dựng từ năm 2004 đến nay đã 10 năm nên một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, do Pháp lệnh được xây dựng từ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) nên một số quy định của Việt Nam "vênh” với quy định về điều tra chống bán phá giá của WTO. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI cho biết thêm, trong vụ việc cụ thể về kiện chống bán phá giá thép không gỉ vừa qua, đối với những vấn đề mà pháp luật trong nước và quy định của WTO "vênh” nhau, cơ quan điều tra của Cục Quản lý Cạnh tranh đã thực hiện theo những quy định của WTO, nhằm tránh những phát sinh pháp lý sau khi kết thúc vụ việc. Liên quan đến quy định cụ thể nào dự kiến sẽ được sửa đổi, bà Châu Giang cho biết, một trong những vấn đề phát sinh trong vụ việc vừa qua là tính toán biên độ chống bán phá giá. Hiện pháp luật Việt Nam không hoàn toàn trùng khớp với pháp luật của WTO nên những quy định về kỹ thuật sẽ phải sửa đổi. Bên cạnh đó, để các DN có thể chủ động với các vụ việc tương tự hơn nữa, bà Giang khuyến cáo, các DN trong nước nếu phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nên có sự chuẩn bị kỹ càng về thông tin, pháp luật và cần phải thoát dần khỏi tâm lý ỉ lại sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước. |
Nguồn tin: ĐĐK