Trong khi VN xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác vẫn có mức tăng trưởng thì xuất khẩu sang khu vực ASEAN lại sụt giảm.
Điều này trái ngược với dự báo khi cộng đồng kinh tế chung khu vực này chính thức được thành lập vào cuối năm trước.
Theo số liệu thống kê, 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) của VN sang các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, XK vào Mỹ tăng 15%, EU tăng 7,4%, Trung Quốc tăng 23,9%, Hàn Quốc tăng 29,1%, Nhật Bản tăng 3,4%. Tuy nhiên, XK sang thị trường ASEAN lại bị giảm 7,6%. Một số sản phẩm có kim ngạch XK sụt giảm như dầu thô, gạo, sắt thép các loại…
Cạnh tranh gay gắt
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), năm 2016 nhu cầu nhập khẩu gạo từ VN của nhiều nước đã sụt giảm. Bên cạnh việc giảm về lượng thì giá cũng giảm theo. Trong khối ASEAN, VN chủ yếu XK gạo sang Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Tuy nhiên, gạo VN cũng phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan và Myanmar. “Cơ bản nhất là gạo VN vẫn chưa có thương hiệu, chất lượng thấp nên trong nhiều trường hợp sẽ gặp thất bại khi cạnh tranh. Mặc dù bản thân doanh nghiệp (DN) cũng chủ động để tìm kiếm thị trường mới nhưng điều đó không dễ. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực từ DN, cần thêm chính sách, cơ chế từ quốc gia về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng và thương hiệu cho gạo từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Bình nói.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty thép Việt, sắt thép của VN XK sang thị trường ASEAN trong năm nay gặp cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Trung Quốc. “Sản phẩm thép từ Trung Quốc hiện đang bị đánh thuế tự vệ ở nhiều nước như Mỹ, EU nên đã tập trung đẩy mạnh vào thị trường ASEAN. Hàng Trung Quốc vào ASEAN cũng không phải chịu thuế nên sự cạnh tranh về giá khiến hàng hóa VN bị thất thủ”, ông Thái nói.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng còn là một rào cản không nhỏ khi hàng hóa từ VN muốn vào các nước. Theo bà Lê Thu Hương, Trưởng phòng XK Công ty cổ phần cao su Miền Nam (Casumina), một số nước sẽ bắt buộc phải có thêm giấy chứng nhận (GCN) hợp chuẩn cho hàng hóa nhập khẩu như Malaysia bắt buộc phải có GCN Emark hoặc M/S, Indonesia phải có SNI, Thái Lan yêu cầu là GCN TSI… Thời gian để có được các GCN loại này mất từ 9 tháng - 1 năm với chi phí rất cao và hằng năm phải làm thủ tục gia hạn lại, khiến hoạt động XK có thể bị gián đoạn nếu gia hạn bị chậm trễ vì một lý do nào đó. Vì vậy, nhiều DN nản chí hoặc thời gian đó cũng làm giảm đi cơ hội tiếp cận thị trường.
Xoay trở để thích nghi
Theo nhiều chuyên gia, câu chuyện hàng hóa VN bị “ngấm đòn” trên sân chơi ASEAN sau khi cộng đồng kinh tế chung này mới chỉ đi vào thực thi chưa đầy một năm là một bài học lớn. Đó là việc chuẩn bị chưa kỹ cho việc hội nhập. Hơn nữa, một số DN còn chủ quan và lơ là, vì cho rằng thị trường này dễ tính hơn các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, dẫn đến bị thua nặng khi không thể cạnh tranh được về giá và chất lượng hay chủng loại sản phẩm với những đối thủ khác.
Trên thực tế, hầu hết khi hoạt động XK bị sụt giảm, bản thân các DN đều tìm giải pháp mà nhiều nhất là tìm thị trường mới để thay thế. Nhưng không phải DN nào cũng thành công.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cho rằng các DN cần quan tâm và có chiến lược lâu dài, hướng đến xây dựng năng lực cạnh tranh cho mình. “Tôi nghĩ Chính phủ cần phải tạo ra một môi trường khuyến khích các DN hoạt động, phát triển một cách minh bạch và lành mạnh để dần dần họ có năng lực cạnh tranh từ những năng lực cốt lõi. Còn đối với hàng rào kỹ thuật, DN VN không có cách nào khác là phải một mặt tự điều chỉnh để thích nghi, mặt khác nhà nước cũng phải dựng lên các hàng rào kỹ thuật để đáp trả. Sân chơi thương mại toàn cầu bây giờ là vậy. Chúng ta phải thích nghi thôi”, chuyên gia Đỗ Hòa nói.
TS Ngô Trí Long cho rằng thị trường thế giới đã bước vào giai đoạn dỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan. Do đó, mỗi nước đều chuyển sang áp dụng hàng rào phi thuế quan, thông qua các tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo hàng hóa từ các nước nhập khẩu phải an toàn cho người dùng và đây là chuyện bình thường. “Ngay cả các thị trường được xem là khó tính nhất như châu Âu, Nhật hay Mỹ nhưng hàng hóa VN vẫn XK vào được. Vì vậy, các DN trong nước phải tự tin nhưng phải nhanh chóng nâng cao chất lượng để đảm bảo đúng yêu cầu của các nước. Ngược lại, các cơ quan quản lý nhà nước của VN cũng cần phải thực hiện nghiêm các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh công bằng và góp phần bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước”, ông Long nói.
Nguồn tin: Thanh niên