Việc đóng cửa nhà máy không xuất phát từ sai phạm của DN mà từ quy hoạch, bố trí dân cư.
Bất ngờ đóng cửa
Mới đây, tại UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chủ trì buổi thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về giải quyết ô nhiễm do nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc gây ra.
Bất ngờ đóng cửa khiến DN gặp rất nhiều khó khăn
Theo đó, thành phố chủ trương ngừng hoạt động 2 nhà máy này. Đồng thời, thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy. Các hoạt động hành chính, vận chuyển, bốc dỡ vẫn được hoạt động bình thường nhưng phải có sự giám sát của chính quyền.
UBND thành phố cũng yêu cầu, Thanh tra thành phố rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo trong tháng 3/2018.
Trước đó, nhiều lần người dân địa phương tụ tập, kéo đến bao vây nhà máy thép phản đối việc gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu chính quyền sớm vào cuộc để xử lý. Đỉnh điểm sự phản ứng này, ngay sau tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên, vùng lân cận nhà máy thép kéo lên các công ty để gây sức ép, yêu cầu ngưng hoạt động. Sau đó, chính quyền TP. Đà Nẵng đã phải tổ chức đối thoại với DN và người dân để tìm phương án giải quyết. Và phương án dừng sản xuất của hai nhà máy này đã được quyết như đã nói ở trên.
Mới đây, đi tìm hiểu nguồn gốc của sự việc người viết được biết, CTCP thép Dana - Úc (tiền thân của là DNTN Xuân Hưng) đóng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2003, thực hiện chủ trương của thành phố về việc vận động di dời DN sản xuất thép ở Khu dân cư vào KCN, công ty đã tự bỏ kinh phí để di dời nhà máy vào KCN Hòa Khánh, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Đến năm 2006, cũng theo chủ trương của chính quyền không cho phép DN sản xuất nấu, luyện thép hoạt động tại đường số 4 KCN Hòa Khánh, nên DN lại phải di dời lên KCN Thanh Vinh để ổn định sản xuất. Trước đó, nhà máy thép Dana - Ý cũng đã được di dời lên đây.
Thời điểm đó, CTCP Đầu tư Đà Nẵng miền Trung là đơn vị làm hạ tầng, khai thác và quản lý KCN Thanh Vinh. Theo quy hoạch, KCN rộng 33 ha trong đó có khoảng đệm trồng cây xanh cách ly với nhà máy và dân. Lúc đặt nhà máy nơi đây rất hoang vu, ít dân cư. Đặc biệt, khoảng 150 hộ dân lân cận nhà máy thuộc diện quy hoạch, sẽ di dời để mở rộng KCN giai đoạn 2, mục đích là trồng cây xanh, làm phân cách mềm với KCN.
Tuy nhiên, do KCN thu hút được quá ít nhà đầu tư, nên được điều chỉnh lại còn 29 ha thay vì 33 ha như ban đầu. Bởi thế, người dân cũng không được di dời. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn hơn 150 hộ dân ban đầu phát triển thành 400 hộ và đến nay từ 400 hộ đã phát sinh thành 1.200 hồ sơ phải đền bù vượt quá dự kiến chi phí ban đầu.
Khi bức xúc của người dân xảy ra đỉnh điểm, năm 2017 để khắc phục những thiếu sót trong quy hoạch các giai đoạn trước, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định di dời dân. Trong đó, thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai 2 nhà máy. Cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời. Trong thời gian được phép tồn tại, các DN phải có giải pháp nâng cấp công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Sau đó, thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo quy định. Tuy vậy, do các thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn chưa thông suốt, chậm tiến độ nên người dân bức xúc, phản ứng như đã nói ở trên.
Doanh nghiệp gặp khó
Việc TP. Đà Nẵng đột ngột công bố chủ trương dừng hoạt động 2 nhà máy thép và hủy bỏ chủ trương di dời dân khiến nhiều người bất ngờ, DN điêu đứng. Đặc biệt, về phía DN ngay sau kết luận, lãnh đạo các DN đã bày tỏ thái độ uất ức vì những tổn thất trầm trọng về đầu tư tài chính lẫn cơ hội kinh doanh...
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc CTCP thép Dana - Úc, hiện DN đang đối mặt với khoản nợ 670 tỷ đồng, hàng nghìn đơn hàng bị hủy bỏ, 500 công nhân phút chốc lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong dịp tết, DN cũng đã vay 300 tỷ đồng nhập nguyên liệu sản xuất hơn 19 nghìn tấn, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Mỗi ngày ngừng hoạt động sản xuất dự kiến thiệt hại từ 300 triệu đến 400 triệu đồng...
Được biết, doanh thu năm 2017 của công ty đạt 1.220 tỷ đồng, nộp ngân sách 120 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2017 thực hiện chủ trương của thành phố về việc thay đổi công nghệ, hạn chế đến mức thấp nhất tới môi trường, thép Dana - Úc đã đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất với chi phí gần 80 tỷ đồng.
Tương tự, tại CTCP Thép Dana - Ý, đại diện DN cho biết mỗi năm công ty đóng các thuế phí nhà nước lên đến gần 350 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 850 lao động, chủ yếu là người địa phương. Do dừng hoạt động sản xuất một cách bị động, công ty đã bị phạt gần 55 tỷ đồng do không thực hiện đúng hợp đồng mua, bán đã ký kết với các đối tác.
Lãi vay và các khoản phạt do chậm thanh toán cho khách hàng hơn 17 tỷ đồng, chưa kể các khoản lương hỗ trợ chờ việc cho công nhân cũng lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của thép Dana - Ý liên tục sụt giảm, càng khiến DN lao đao.
Điều đáng nói, trong khi DN điêu đứng vì bất ngờ đóng cửa thì đa số người dân ở khu vực ảnh hưởng lại thuận theo chủ trương cũ là muốn di dời, bố trí tái định cư. Để không bị ảnh hưởng về môi trường, nguồn nước từ hai nhà máy. Nhà cửa thì đã được đo đạc, kiểm đếm, ruộng vườn thì đã cắm mốc...
Theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội DN trẻ Đà Nẵng, cộng đồng DN hết sức bất ngờ trước quyết định đột ngột của chính quyền thành phố. Ông Hải cho rằng, việc ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân là điều không ai mong muốn. Nhưng, việc di dời dân hay nhà máy phải tính đến thật kỹ càng. Việc đóng cửa không xuất phát từ sai phạm của DN mà xuất phát từ công tác quy hoạch và bố trí dân cư.
Bởi vậy, việc buộc DN ngừng hoạt động cần có lộ trình, bước đi thích hợp và hài hòa lợi ích giữa người dân, DN lẫn chính quyền. Được biết, trong khi chờ đợi những chủ trương định hướng lâu dài của chính quyền cả hai DN đều mong muốn được sản xuất hết lượng nguyên liệu, phế liệu tồn đọng đã nhập về (khoảng 22 nghìn tấn thép phế liệu), để giải quyết tạm thời đời sống của các lao động, đồng thời giúp công ty thực hiện đơn hàng cho khách đã ký hợp đồng trước đó, trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đến hạn.
Nguồn tin: Thời báo ngân hàng