Từ ngày 1.8, giá bán điện tăng bình quân 5% so với giá bán hiện hành. Giá tăng tất yếu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải lựa chọn một trong 2 giữa phương án “gồng mình” chịu trận hoặc cấp tốc tăng giá để tự cứu mình.
DN sản xuất phôi thép tiêu thụ điện năng rất lớn. Ảnh: H.M |
Duy trì 5 siêu thị bán hàng điện máy tại Hà Nội, ông Lê Quang Vũ - Tổng giám đốc Cty CP MediaMart - cho rằng, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới DN trong lâu dài.
“Hàng tháng, chúng tôi đang thanh toán khoảng 600 triệu đồng tiền điện cho 5 siêu thị hoạt động từ 8h tới 22h. Giá điện tăng thêm 5%, Công ty sẽ phải trả thêm hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Lâu dài nó sẽ là một khoản chi lớn mà chúng tôi không biết lấy đâu để bù vào”.
Tiết kiệm từng đồng để tạo giá cạnh tranh, DN lại phải gánh thêm chi phí tiền điện tăng. Bà Đoàn Thị Hữu Nghị - Tổng giám đốc Cty xuất khẩu thời trang Hiệp Hưng (Hà Nội) - nói:
“Dự toán chi phí đơn hàng được thiết lập từ đầu năm, nay lại phải đội thêm nhiều khoản chi đột xuất. Với 2 nhà máy may tại Hà Nội và Bắc Ninh, Hiệp Hưng hàng tháng chi phí từ 45-50 triệu đồng để chiếu sáng, chạy máy may và là hơi”.
Ông Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công ty Thủy Tạ (Hà Nội)- chia sẻ:“Chi phí nhân lực, nguyên vật liệu và phụ phí đã khiến chúng tôi chật vật. Nay lại phải gánh thêm một khoản 5% tiền điện là một thách thức không nhỏ”.
Việc lựa chọn phương án tạm thời “gồng mình” chịu trận hay tăng giá đang là bài toán nan giải của DN.
DN có thể tăng giá ngay nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ giảm doanh số hàng bán và khó giải quyết được hàng tồn kho - tình trạng của nhiều DN sản xuất hiện nay.
Cái được từ việc tăng giá chưa chắc đã bù cho cái mất từ việc giảm doanh số hàng bán và chi phí tồn kho. Trong tình hình đó, nhiều DN đã lựa phương án cầm cự chưa tăng giá.
Giải thích thêm lý do chưa tăng giá, ông Tuấn Anh phân tích: “Dù Công ty có tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng vào giá sản phẩm chưa chắc đã là giải pháp hay vì có thể dẫn tới những kết quả khó lường. Chưa tăng giá sản phẩm, nhưng chúng tôi sẽ bám sát tình hình để có những điều chỉnh phù hợp”.
Theo ông Lê Quang Vũ, DN sẽ tăng giá nếu “Nhà cung cấp tăng giá đầu vào với chúng tôi. Khi đó chúng tôi cân đối thiệt hơn và cố gắng tăng ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được và đảm bảo cạnh tranh. Còn bây giờ, MediaMart chưa tính tới khả năng này”.
Là ngành thuộc diện tiêu thụ điện lớn nhất, nhưng ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội thép VN - cũng cho rằng xu hướng chưa tăng giá được nhiều DN lựa chọn. Vì các DN còn cần tính toán cụ thể nhằm cân bằng việc giải phóng hàng tồn kho, theo dõi đối thủ và giữ khách hàng.
Ông Nghi phân tích, mức độ thiệt hại của các DN ngành thép cũng khác nhau do đặc thù sản xuất: DN sản xuất phôi thép cần nhiều điện nhất, DN sản xuất hàng khác chỉ cần năng lượng bằng 1/3.
“Chi phí sản xuất 1 tấn phôi thép cần khoảng 400 - 450 kWh điện, trong khi đó, 1 tấn ống thép cần 80 - 10 kWh điện và 80 kWh điện cho 1 tấn thép cán” - ông Nghi cho biết.
Nguồn tin: Laodong