Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, việc bù giá dù chỉ là vấn đề thời gian, nhưng cũng gây ra những chậm trễ nhất định, bởi nhà thầu muốn nắm “đằng chuôi” với các cam kết hỗ trợ trượt giá từ phía chủ đầu tư. Tại các công trình loại này, nhà thầu cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong thương thảo hợp đồng sau nhiều lần xử lý tình huống giá thép tăng đột biến trước đây. Theo đó, các hợp đồng hiện nay đều có những điều khoản liên quan đến việc tăng giá bất thường của nguyên vật liệu và chuyện bù giá cho nhà thầu trong các trường hợp cụ thể.
Còn đối với nhiều công trình dân dụng, việc xử lý có phần phức tạp hơn. Đại diện Công ty cổ phần Bê tông Vinaconex – Xuân Mai, doanh nghiệp đang xây dựng nhà ở xã hội cho biết, đơn vị này mua cả thép sản xuất trong nước lẫn một số loại thép nhập khẩu. “Từ đầu năm tới nay, giá các loại thép sản xuất trong nước đã tăng thêm gần 30%, trong khi thép nhập mới chỉ tăng khoảng 10%. Sự thay đổi về giá thép này làm tăng thêm 5-6% giá thành các căn hộ trong dự án nhà ở xã hội mà Công ty đang triển khai”, đại diện công ty này nói và cho biết, đây là điều khó khăn với Công ty, bởi nhà ở xã hội bán cho các đối tượng có thu nhập thấp, nên giá cũng thấp. Nay giá thép tăng mạnh, khiến giá thành tăng, thì việc định giá lại với khách hàng cũng có những phức tạp nhất định.
Để đối phó với việc tăng giá thép, có chủ đầu tư chung cư đã tính chuyện thay đổi một số chủng loại nguyên vật liệu mà trước đó không có ràng buộc cụ thể với các khách hàng trong hợp đồng. “Các loại thép đã ghi rõ chủng loại, xuất xứ trong hợp đồng, nhưng rất nhiều vật tư khác có thể chuyển từ phẩm cấp này sang phẩm cấp thấp hơn, để bù cho phần tăng của giá thép, bởi giá bán nhà đã ký với các khách hàng rồi và khó mà thay đổi”, một chủ đầu tư chung cư trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho hay.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xây dựng chung cư nào cũng lao đao với thép tăng giá. Đại diện Công ty cổ phần Vinaconex 2 cho biết, để không bị động trong việc điều chỉnh giá nhà chung cư do những biến động về giá nguyên vật liệu trong quá trình xây dựng vì đã lỡ cam kết giá bán với khách hàng khi mới bắt đầu đào móng, Công ty cổ phần Vinaconex 2 chọn cách chỉ bán nhà khi đã xây gần xong. Ngoài ra, do nguồn vốn dồi dào, nên Công ty luôn tính toán dự trữ khoảng 30-40% lượng thép cần dùng cả năm. Với mức tiêu thụ gần 30.000 tấn thép/năm, dĩ nhiên số vốn của doanh nghiệp này cũng không phải là nhỏ.
Nhưng dẫu chủ động dự trữ thép cho hoạt động của mình, thì nhiều doanh nghiệp xây dựng vẫn cho rằng, với cách quản lý thép như hiện nay, thì chuyện sốt nóng, sốt lạnh mặt hàng thép sẽ còn xảy ra, cho dù sản xuất thép xây dựng trong nước hiện cung vượt cầu khá xa. Lý do được cho là nhiều công trình đã chỉ định cứng việc sử dụng thép nhãn hiệu nào, nên khi giá thép tăng mạnh, các chủ đầu tư méo mặt bởi tăng chi phí, nhưng không thể chuyển sang dùng thép nhãn hiệu khác. Do vậy, các nhà sản xuất thép vẫn ung dung tăng giá, không phải lo cạnh tranh vì đã có sẵn người mua hàng của mình.
Trên thực tế, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm tới ngày 15/3/2010, phôi thép nhập khẩu lên tới 394.000 tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái; thép phế cũng nhập khẩu 323.000 tấn; tăng 66%; trong khi thép cuộn nhập khẩu chỉ là 57.000 tấn, tăng 2%. Điều này cũng cho thấy, thép nội có lợi thế hơn thép ngoại, bởi các doanh nghiệp nhập khẩu phôi lớn về kéo ra thành phẩm, chứ không phải nhập luôn thép thành phẩm, dù thuế suất nhập khẩu thép hiện là 15% ngoài khu vực ASEAN và 0% nếu nhập từ các nước ASEAN.
Dĩ nhiên, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bằng cách sử dụng hàng trong nước sản xuất rất quan trọng, nhưng nếu các nhà sản xuất thép dựa vào lợi thế này để quên đi việc tạo ra những lợi thế của mình về giá, thì lâu dài chắc cũng không trụ vững.
baodautu