Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hệ lụy từ Vinashin -SBIC: Hàng loạt dự án "chết không thể chôn"

 Sau 4 năm Chính phủ phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) (QĐ số 1224/QĐ-TTg ngày 26.7.2013), đến nay tình cảnh của hàng loạt dự án hậu Vinashin thua lỗ, mất vốn biến thành những “xác chết” hoang phế nhưng không thể giải thể, phá sản được theo luật định. Sau một thời gian sắp xếp, xử lý số doanh nghiệp thua lỗ, mới đây, chính TCty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã đệ trình Chính phủ đề án tiếp tục xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC, đồng thời kiến nghị cơ chế, chính sách để xử lý những dự án hoang phế, thuộc diện chết không chôn được của Vinashin một thời.

Bài 1: Những “cái xác” Vinashin bị bỏ rơi

Nhà máy cán thép nóng công suất 500.000 tấn/năm giá trị gần 3.300 tỉ đồng bỏ hoang 7 năm; cách đó vài chục mét là NM phát điện diesel công suất 39MW với suất đầu tư 36 triệu USD cũng ở ngay tại KCN Cái Lân (TP. Hạ Long) thuộc Vinashin trước đây cùng chung cảnh ngộ tương tàn; đi thêm 160km về hướng Đông Bắc, KCN cảng biển Hải Hà trơ trụi, hoang vắng... Đây là tình cảnh của những dự án điển hình trong số 18 dự án được Tập đoàn Vinashin ồ ạt tổ chức đầu tư vào Quảng Ninh trong những năm “hoàng kim”.

Nhà máy nghìn tỉ đắp chiếu, hoen rỉ...

Cho đến lúc này, theo tìm hiểu của Lao Động, chỉ duy nhất đơn vị là Cty đóng tàu Hạ Long (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) là còn tồn tại và duy trì, phục hồi sản xuất ổn định, các DA còn lại ở tình trạng “chết lâm sàng” chờ bán và tái cơ cấu... Số phận NM Cán thép Cái Lân - thuộc Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) đã được Báo Lao Động phản ánh trong nhiều bài viết. Trong 7 năm bỏ hoang, hình ảnh tương tàn, sắt thép hoen rỉ và bám bẩn do đã quá lâu năm không được vận hành. Mọi thứ đang ngày càng xấu đi: Phía trong nhà máy lác đác vài bảo vệ canh trực, cảnh tượng như một nhà máy bỏ hoang tới hàng thập kỷ...

Được Tập đoàn Vinashin trước đây xây dựng từ năm 2003, trên diện tích 15ha tại KCN Cái Lân (TP. Hạ Long) - với mức khái toán 3.300 tỉ đồng. Công suất giai đoạn đầu là 500 nghìn tấn sản phẩm/năm từ dây chuyền, công nghệ của Đức và Trung Quốc. Vào thời điểm đó, khi vận hành mẻ thép ra lò đầu tiên vào tháng 6.2010, ngành đóng tàu trong cả nước kỳ vọng sẽ cung ứng phần lớn thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn trong các nhà máy sản xuất của Vinashin. Tuy nhiên sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận NM cán thép tấm nóng Cái Lân được cho là lớn nhất nước buôc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất.

Nhà máy thép cán nóng Cái Lân (Quảng Ninh) “đắp chiếu” đã 7 năm qua. Ảnh: T.N.D

Hàng loạt dự án dang dở

Trong số những công xưởng bỏ hoang tại KCN Cái Lân có NM sản xuất cửa nhựa (vốn đầu tư vài triệu USD) - là “tép riu” nhất, tiếp đó là NM phát điện diesel công suất 39 MW - cách đó vài trăm mét cũng tắt ngấm lò chung cảnh ngộ với NM thép Cái Lân. Dự án khi đó được Vinashin - ký hợp đồng EPC - chìa khóa trao tay với giá trị gần 36 triệu USD. Chỉ khi “trao tay”, người ta mới biết sự thực, thiết bị chính của NM phát điện diesel được tháo dỡ từ một NM điện cũ kỹ từ thập niên 70 thế kỷ trước tại Trung Quốc. Trong số 3 NM này, hiện SBIC đang bế tắc về phương án giải cứu hồi phục, hay tái cơ cấu, bán cho nhà đầu tư khác, bởi công nghệ lạc hậu, đội giá đầu tư trên trời nên không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Đã có hàng chục đoàn công tác của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Cty CBIC về tìm cách tháo gỡ, đưa các NM này hoạt động trở lại nhưng đều rơi vào vô vọng.

Còn tại KCN cảng biển Hải Hà, được khởi công năm 2007. Dự án “bánh vẽ” được Vinshin quảng bá khi đó gồm: Luyện - cán thép, đóng mới, sửa chữa tàu biển, sản xuất nhiệt điện và lọc - hóa dầu kết hợp phát triển đô thị, được tỉnh Quảng Ninh coi là khu vực có vai trò quan trọng trong giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Dự án gần 5.000ha được kỳ vọng sẽ có vài tỉ USD vốn đổ vào nhưng cho đến nay mọi thứ chỉ là bãi đất trống...

Theo một lãnh đạo Cty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (thuộc SBIC) - cho biết: Số phận KCN cảng biển Hải Hà hiện đã được Bộ GTVT trình lên Thủ tướng phương án xử lý từ năm 2016, nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Phía Bộ GTVT đã chủ trì cùng tỉnh Quảng Ninh thống nhất phương án mời các đơn vị thẩm định độc lập vào xác định những khối lượng còn lại (đất đá san lấp mặt bằng) để căn cứ đó làm giá trị thực hiện nhằm mời gọi các DN nào quan tâm vào đầu tư sẽ xem xét hỗ trợ bồi thường cho SBIC.

Trước đó làm việc với PV Báo Lao Động, lãnh đạo huyện Hải Hà cho rằng, phía Tập đoàn Indevco đã xác lập xong quy hoạch xây dựng chi tiết (tỉ lệ 1/2.000), với các phân khu dự án cảng tổng hợp container, kho cảng hàng lỏng và một số nhà máy tạo tiền đề hạ tầng cơ sở, nhằm biến Khu kinh tế cảng biển Hải Hà sớm trở thành khu vực năng động trong mắt các nhà đầu tư. Nhưng dự án còn lùm xùm, vướng mắc về xác định đơn giá, khối lượng mà Vinshin đã đổ... xuống biển.

Cũng liên quan đến số phận Cảng khách Hòn Gai - Vinashin hiện bỏ hoang phí nhiều năm qua. Cảng này được Vinashin khởi công, nâng cấp vào tháng 8.2007, với quy mô hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế cho tuyến vận tải hành khách cao tốc đường biển Bắc - Trung - Nam, có thể tiếp nhận loại tàu 85.000GT (vận chuyển 100.000 ôtô và 200.000-300.000 lượt khách/năm). Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 645 tỉ đồng, gồm: Mở rộng cảng cũ ra biển thêm 28m, chiều dài cầu bến 250m; hệ thống nhà ga đón-trả khách 4 tầng với diện tích sử dụng 15.000m2 hiện đang đầu tư dang dở. Lãnh đạo cảng này cho biết, Cảng Hòn Gai đã có chủ trương tái cơ cấu năm 2015. Với giá trị hiện tại đã định giá còn ước chừng 260 tỉ đồng, nhưng cảng khách này qua 2 vòng đấu giá tìm mãi mà không nhà đầu tư nào quan tâm. Theo quy định, cảng này sẽ tiếp tục đấu giá lần 3, và nếu không có nhà đầu tư mua thì sẽ trình phương án xử lý tiếp theo...

Trao đổi với báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đề án tái cơ cấu Vinashin bộ đã hoàn thiện và trình Chính phủ. Khi được hỏi về nội dung đề án, đại diện bộ từ chối cung cấp thông tin với lý do đề án mật và đang chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Về phía Bộ Tài chính, một lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp cho Lao Động biết, Bộ Tài chính đã giao Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể, nghiên cứu phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC. Tuy nhiên, đây là thông tin mật nên vị này khẳng định, không thể cung cấp thêm thông tin và tiết lộ rằng rằng, tình hình tài chính, nợ nần của Vinashin là “xấu”.

Nguồn tin: Lao động

ĐỌC THÊM