Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hệ thống tiền tệ toàn cầu: Bài toán nan giải

Ngoại trừ một thỏa thuận sẽ hạn chế phá giá nội tệ nhằm mục đích tăng xuất khẩu, Hội nghị G20 Seoul 2010 vẫn chưa có được một lối thoát cụ thể cho những bất ổn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Một hệ thống nhiều bất ổn

Bàn về hệ thống tiền tệ toàn cầu, tờ The Economist cho rằng hệ thống hiện tại có ba điểm bất ổn cần giải quyết. Thứ nhất, cán cân thương mại toàn cầu đã thay đổi, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 24% GDP toàn thế giới nhưng phần lớn dự trữ ngoại tệ lại sử dụng đồng đô la Mỹ. Không chỉ không phản ánh đúng thực tế, việc sử dụng đồng đô la Mỹ làm dự trữ sẽ bỏ mặc sự tổn thương của các nước khác do chính sách tiền tệ của Mỹ, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.

Thứ hai, hệ thống tiền tệ hiện tại đang tạo ra những khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi. Các nền kinh tế mới nổi hiện giữ đến hai phần ba tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Dự trữ đã tăng từ mức 1.300 tỉ đô la Mỹ vào năm 1995 (tương đương 5% GDP toàn cầu) lên mức hiện tại là 8.400 tỉ đô la Mỹ (tương đương 14% GDP toàn cầu). Những khoản dự trữ khổng lồ này đang vi phạm các nguyên tắc về kinh tế, khi những nước nghèo, cần có nhiều cơ hội đầu tư, lại đang cho những nước giàu hơn vay rẻ. Cách cho vay như vậy đẩy mức lãi suất dài hạn của Mỹ giảm xuống, tiền bạc bị đem đi đầu tư tràn lan, làm tích tụ nguy cơ bùng nổ những cuộc khủng hoảng tài chính. Hơn thế nữa, điều đó còn khiến cho thế giới phụ thuộc hơn vào người Mỹ.

Bất ổn thứ ba là quy mô vốn ngày càng quá lớn và biến động quá nhanh. Theo ước tính, dòng vốn tư nhân chảy sang các nền kinh tế có thể đạt 340 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, con số này cách đây một thập kỷ chỉ là 81 tỉ đô la Mỹ. Các dòng vốn biến động nhanh trở thành nguyên nhân của những cuộc khủng hoảng tài chính, điển hình là các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998.

Qua ba lý do trên, người ta thấy rằng nếu chỉ dựa vào đô la Mỹ để dự trữ thì quả thực nguy hiểm về mặt chiến lược vì nó làm méo mó nền kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế thế giới phát triển mà cứ mãi dựa vào đô la Mỹ để dự trữ thì rõ ràng Hoa Kỳ phải không ngừng in tiền để bôi trơn kinh tế toàn cầu. Việc in tiền này có thể không dựa trên các nguyên tắc kinh tế. Cứ thế, khi dự trữ của thế giới càng lớn lên thì nguy cơ càng tăng lên. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, tổng dự trữ toàn cầu hiện nay chỉ ở mức 60% GDP nước Mỹ nhưng sẽ tăng lên thành 200% GDP của Mỹ vào năm 2020 và lên mức 700% GDP của Mỹ vào năm 2035.

Một lý do khác khiến cho hệ thống tiền tệ toàn cầu bất ổn chính là chính sách tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi. Các nền kinh tế mới nổi đã có một thời gian dài tích lũy ngoại tệ thu được từ xuất khẩu. Lẽ ra, giá trị nội tệ của họ phải tăng lên theo sự tăng trưởng ổn định và dự trữ quốc gia. Thế nhưng, các nền kinh tế mới nổi lo ngại việc tăng giá đồng tiền sẽ làm hạn chế năng lực xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nên ra sức kìm giá đồng nội tệ bằng cách dùng ngân hàng trung ương để can thiệp hạ giá nội tệ, mua vào ngoại tệ khi các dòng vốn nước ngoài đổ sang. Nhiều chính phủ xem việc tích trữ ngoại tệ là biện pháp an toàn trước các dòng vốn đầu tư.

Bài toán nan giải

Chính vì có quá nhiều bất ổn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện tại mà người ta đang cần đến một hệ thống tiền tệ mới. Ngay trước thềm hội nghị G20, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã đưa ra lời kêu gọi trên tờ Financial Times rằng thế giới nên quay trở lại bản vị vàng. Ông Zoellick nhận xét: “Sách giáo khoa có thể xem vàng là một loại tiền tệ lỗi thời. Nhưng ngày nay, thị trường đang sử dụng vàng như một loại tài sản thay thế tiền tệ”. Hệ thống bản vị vàng mà ông Zoellick nhắc đến không phải là hoàn toàn neo cố định tiền tệ với vàng, mà ông đề xuất sử dụng vàng như một điểm tham chiếu chung cho toàn cầu về kỳ vọng đối với lạm phát, giảm phát và giá trị tiền tệ trong tương lai. Phản ứng trước đề xuất trên, Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson tại Washington, dù đồng ý cần phải có một hệ thống mới nhưng cho rằng việc sử dụng bản vị vàng là một ý định “chưa trưởng thành và không phù hợp”. Ông Bergsten cho rằng: “Vàng là một điểm tham chiếu rất kém vì nó dao động rất mạnh”. Thực tế thì quá khứ đã cho thấy vàng không còn đủ sức mạnh để làm điểm neo cho tiền tệ toàn cầu. Nếu chọn vàng làm điểm tham chiếu thì mức độ tham chiếu sẽ như thế nào và mức độ đó sẽ thay đổi ra sao trong khi nền kinh tế thay đổi. Trên trang bình luận của báo New York Times có rất nhiều chuyên gia kinh tế phản bác đề xuất của ông Zoellick bằng những lý lẽ rất thuyết phục.

Pháp, quốc gia chủ trì hội nghị G20 lần tới, cũng đã tuyên bố sẽ đưa ra một giải pháp thay thế, đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, chứ không chỉ sử dụng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây là giải pháp không mới, vấn đề là sẽ thực hiện như thế nào?

Khi nói đến việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến rổ tiền tệ SDRs (Special Drawing Rights) là một loại tiền tệ của IMF được hình thành dựa trên một rổ tiền tệ để làm dự trữ cho các quốc gia. Nhưng kể từ khi chính thức ra đời từ năm 1969 đến nay, SDRs chỉ đang chiếm khoảng 5% trữ lượng dự trữ toàn cầu. Vai trò của SDRs rất mờ nhạt và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó tăng lên trong tương lai.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ hậu thuẫn cho việc tăng cường vai trò của SDRs. Đồng nhân dân tệ có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với đô la Mỹ trên thị trường tài chính thế giới. Trung Quốc cũng đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi bắt đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ trên thị trường Hồng Kông. Gần đây, IMF cũng tuyên bố có thể sẽ đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDRs. Nhưng nếu đồng nhân dân tệ hòa vào thị trường tài chính quốc tế thì sẽ có nhiều thay đổi mà Trung Quốc không mong muốn, chẳng hạn việc nhân dân tệ tăng giá so với đô la Mỹ sẽ khiến cho dự trữ của Trung Quốc bị giảm không ít giá trị.

So với quá khứ, vị thế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ngày nay giống như vị thế giữa Hoa Kỳ với Anh Quốc sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi xưa, Hoa Kỳ là một nước có thặng dư lớn còn Anh Quốc thì thâm hụt nặng nề. Nay thì Trung Quốc có thặng dư lớn và Hoa Kỳ đang là nước thâm hụt và thiếu nợ trầm trọng. Tuy nhiên, việc hoán đổi đó không đủ để thế giới có thể dễ dàng tạo ra một hệ thống giống như hệ thống Bretton Woods ngày trước, vì thế giới đã quá phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và kinh tế toàn cầu đã có nhiều điểm khác. Thế giới đang trông chờ vào một hệ thống tiền tệ mới, nhưng để hình thành nên thì quả thực là vấn đề không đơn giản.

Nguồn: TBKTSG

ĐỌC THÊM