Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hẹp đầu ra, thép ngập trong thua lỗ

Liên tiếp trong 3 năm đối mặt với trình trạng tiêu thụ giảm sút, nhiều doanh nghiệp (DN) thép gặp không ít khó khăn để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tình trạng thua lỗ kéo dài cũng trở thành nỗi ám ảnh với DN khi đầu ra thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc. Không thể tìm được lối ra cho sản phẩm, các DN tính đến phương án tiết giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành để tăng thêm doanh thu và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đến ngay cả Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) vốn là DN đứng đầu trong ngành thép cũng phải đối diện với với tình trạng thua lỗ trong 2 năm liên tiếp. Cũng bởi, dù công ty mẹ đã hoạt động có lãi trong năm 2013, song việc có nhiều công ty con làm ăn thua lỗ khiến doanh thu và lợi nhuận gộp của VNSteel bị âm.

Nhiều DN lỗ nặng

Theo ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc VNSteel, có đến 4/7 công ty, chi nhánh trực thuộc công ty mẹ bị lỗ; chỉ có 6/13 công ty con làm ăn có lãi với số lợi nhuận trước thuế là 94,3 tỷ đồng; khối công ty liên kết có 20/29 công ty có lãi với số lợi nhuận trước thuế là 885,6 tỷ đồng. Một số đơn vị đang trong giai đoạn đầu tư hoặc xây dựng dự án, có đơn vị phải ngừng sản xuất để chờ chuyển đổi, phần lớn các đơn vị còn lại đều có hiệu quả hoạt động thấp và bị thua lỗ.

"Có những công ty lỗ tương đối nặng do việc trích lập công nợ khó đòi. Như Gang thép Thái Nguyên lãi trong sản xuất được 50 tỷ đồng, nhưng khi trích lập công nợ từ các năm trước đã có số lỗ lên tới 320 tỷ đồng; Kim khí Hà Nội cũng lỗ trong sản xuất khoảng 8 tỷ đồng và trích lập thêm công nợ nên có mức lỗ là 38 tỷ đồng; Tôn Thăng Long lỗ 9 tỷ đồng; và một loạt các DN liên doanh liên kết khác bị lỗ", ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, với công ty mẹ, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là lĩnh vực thép tấm lá, cũng như chi phí tài chính cho hoạt động kinh doanh, vốn lưu động và hoạt động đầu tư, chi phí tài chính lên đến gần 470 tỷ đồng, và phải trích lập vào các khoản dự phòng đầu tư của các công ty con, công ty liên kết bị lỗ với số tiền 262 tỷ đồng, nên kết quả là công ty mẹ bị lỗ. Với nhiều công ty con bị lỗ, chi phí tài chính công ty mẹ nặng nề, gặp nhiều khó khăn, nên lãi gộp trong sản xuất kinh doanh của công ty mẹ không đủ bù nên hoạt động chung là bị lỗ.

Tình trạng thua lỗ của hàng loạt DN thép đặt trong bối cảnh nguồn cung các sản phẩm này vẫn đang tiếp tục dư thừa, trong khi nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong khi công suất sản xuất thép cán của toàn ngành lên đến 9 triệu tấn, song do nhu cầu thị trường giảm sút nên các DN phải điều chỉnh quy mô hoạt động, nhưng cung vẫn vượt cầu đến 2 lần. Trong khi đó, cuối năm 2013 lại có thêm một số nhà máy mới đi vào hoạt động, như thép Hòa Phát đưa ra 500.000 tấn; thép Việt Mỹ với 250.000 tấn đã khiến cho thị trường càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Đặc biệt, trong 4 tháng cuối năm 2013, giá thép xây dựng liên tục giảm đã khiến các DN gặp thêm nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Ông Hưng cho biết dù các DN trong VNSteel đã có nhiều nỗ lực, song vẫn không tránh khỏi trường hợp có đơn vị phải đóng cửa, dừng hoạt động.

Đủ phương kế giảm chi phí

Nhận định tình hình thị trường thép năm 2014, ông Trần Văn Khâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2014 còn gặp rất nhiều khó khăn, và ngành thép cũng nằm trong xu hướng chung khi chưa có tín hiệu khả quan, giá vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào khó dự đoán, cung lớn hơn cầu, lại thêm ảnh hưởng của thép nhập ngoại nên việc tiêu thụ sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, ông Khâm cho rằng việc thực hành tiết kiệm, tạo bước đột phá trong giảm giá thành là một chiến lược trọng tâm được Gang thép Thái Nguyên tính đến để đảm bảo duy trì và ổn định hiệu quả hoạt động.

Với đặc thù thị trường hiện đang hình thành mặt bằng giá thép khá thấp, nên Gang thép Thái Nguyên đã giao khoán giá thành cho các chi nhánh trên cơ sở tính ngược từ giá bán sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhằm tạo sức ép chung cho toàn hệ thống. Những quy chế mua sắm vật tư nguyên phụ liệu, phụ tùng sản xuất cũng được triển khai nhằm đảm bảo kiểm soát tốt giá, chất lượng, tồn kho và giảm chi phí tài chính.

Đối với Công ty Thép Thủ Đức, công tác quản trị lại được đặt lên hàng đầu nhằm kiểm soát tốt mọi nguồn lực. Theo ông Hoàng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc Công ty, trước đây, DN chỉ chú trọng đến quản trị sản xuất nội tại, tức là đưa ra các tiêu chí giảm tiêu hao chi phí sản xuất mà không chú trọng đến quản trị đầu vào và quản trị đầu ra. Trong khi đó, hoạt động này giúp DN kiểm soát được nguồn mua nguyên phụ liệu, đánh giá lúc nào cần mua, chất lượng ra sao để đảm bảo sản xuất và giảm tiêu hao. Hoặc với quản trị đầu ra, việc đánh giá đúng thị trường, đánh giá đúng giá trị sản phẩm thật của mình cũng mang lại lợi ích rất lớn cho DN. Do đó, trong năm 2014, Thép Thủ Đức đã lên kế hoạch kiểm soát và quản trị tốt các tiêu chí này.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), bên cạnh các yếu tố khách quan, cần nhận thấy rõ nguyên nhân tăng trưởng thấp của ngành thép là do cách thức điều hành, quản trị của DN. Do đó, mỗi đơn vị cần đánh giá, cải tổ lại hệ thống theo hướng tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của các đơn vị bên dưới, rà soát và giảm biên chế để bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả.

Nguồn tin: Stockbiz

ĐỌC THÊM