Trong khi một số ngân hàng nội không tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng kịp thời hạn theo Nghị định 141 của Chính phủ thì các ngân hàng ngoại tại Việt Nam lần lượt tăng vốn lên 4 - 5 lần so với vốn pháp định, thậm chí có ngân hàng còn tăng vốn lên gấp 8 lần so với vốn pháp định. Sự kiện này khiến nhiều chuyên gia nhận định áp lực cạnh tranh sẽ rõ nét hơn kể từ năm 2011.
Lộ dần những điểm yếu
Bình luận về cuộc cạnh tranh giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài với TBKTSG, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng không nên đặt ra vấn đề cạnh tranh giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại, bởi ranh giới cạnh tranh đã bị hòa đồng. “Đây là cuộc cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng nói chung, không chỉ cạnh tranh giữa ngân hàng nội với ngân hàng ngoại, mà giữa các ngân hàng nội, ngân hàng ngoại vẫn có sự cạnh tranh nhau”, ông Nghĩa bình luận.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng, khối ngân hàng ngoại có thế mạnh về cho vay doanh nghiệp nước ngoài và trong tương lai là ngân hàng bán lẻ thông qua thẻ tín dụng.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí (GP Bank), cho rằng nguy cơ mất thị phần đang lớn dần lên đối với các ngân hàng trong nước. “Hiện nay, ngay cả khách hàng có nhu cầu vay với khoản vay nhỏ các ngân hàng nước ngoài cũng lao vào rồi” - ông Thắng nói - “Để chuẩn bị cho việc cạnh tranh bình đẳng với ngân hàng nội, các ngân hàng nước ngoài đã tăng vốn mạnh so với vốn pháp định. Như vậy, cùng với thế mạnh về công nghệ, các ngân hàng ngoại đang từng bước xóa dần khoảng cách khác biệt với ngân hàng trong nước về vốn và con người”.
Theo ông Thắng, nếu như cách đây hai năm, những vị trí giám đốc chi nhánh, trưởng phòng, phó phòng của các ngân hàng ngoại chủ yếu là người nước ngoài thì nay, những vị trí này đang được thay thế dần bằng người Việt Nam. Với chiến lược “nội địa hóa” nhân sự, các ngân hàng ngoại đang từng bước loại bỏ dần lợi thế về am hiểu người Việt của ngân hàng trong nước.
Ngoài ra, những lợi thế khác như kinh nghiệm hàng trăm năm về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, nguồn vốn rẻ... cũng đang được các ngân hàng ngoại triển khai mạnh mẽ.
Trong khi, với những ngân hàng trong nước chưa tăng được vốn theo Nghị định 141, trong năm 2011 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ gác lại những nhu cầu mở rộng mạng lưới, triển khai sản phẩm...của những ngân hàng này cho đến khi tăng được vốn mới được chấp thuận. Điều này sẽ khiến những ngân hàng này thêm khó khăn”, ông Thắng cho biết.
Còn những “ngõ hẹp”
Nếu bình luận trên phương diện lợi thế so sánh giữa khối ngân hàng nội và ngoại, thì rõ ràng, các ngân hàng nội đang mất dần những lợi thế “sân nhà” và lộ dần những điểm yếu. Nhưng nếu nhìn trên phương diện chính sách, thực tế, vẫn đang có những “ngõ hẹp” cho các ngân hàng nhỏ có lối thoát.
Theo cách nhìn của ông Nghĩa, động thái tăng vốn của các ngân hàng nước ngoài thực chất là nhằm đáp ứng yêu cầu của điều 128 Luật tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2010. Theo điều 128 của Luật tổ chức tín dụng, giới hạn tín dụng cho vay đối với một khách hàng sẽ được tính dựa trên vốn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay vì vốn của hội sở chính của ngân hàng nước ngoài như hiện nay.
Nếu như trước đây, các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài với vốn pháp định là 15 triệu đô la có thể cho vay lên tới 50 triệu đô la/khách hàng bởi luật trước đây không căn cứ vào vốn của chi nhánh mà dựa vào vốn của ngân hàng mẹ, thì nay, với luật tín dụng mới, các chi nhánh này chỉ có thể cho vay 2 triệu đô la/khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng nước ngoài tăng vốn nhằm đảm bảo khả năng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp như trước đây, ông Nghĩa bình luận.
Như vậy, mặc dù được hoạt động bình đẳng với các ngân hàng trong nước nhưng các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài không được cho vay vượt 15% vốn tự có của chi nhánh, trong khi các chi nhánh của ngân hàng trong nước lại được phép cho vay dựa trên vốn của hội sở chính của ngân hàng. Quy định này có vẻ không hợp với thông lệ quốc tế.
Còn một vấn đề nữa, mặc dù từ ngày 1-1-2011, các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài được huy động tiền đồng nhưng điều này chưa thể gây khó khăn cho các ngân hàng trong nước. Thứ nhất, các chi nhánh này dù có huy động được bao nhiêu cũng chỉ cho vay không vượt quá 15% vốn tự có. Thứ nữa, việc cạnh tranh huy động tiền đồng với các ngân hàng trong nước cũng không đơn giản bởi chính sách lãi suất linh hoạt, mạng lưới rộng hơn, giao dịch thuận tiện hơn. Quan trọng hơn, do quy định tài chính nghiêm ngặt, các chi nhánh này không thể huy động tiền đồng kèm theo các chương trình khuyến mãi, cộng lãi suất thưởng... như các ngân hàng trong nước, theo ông Nghĩa.
Còn theo quan điểm của ông Ashok Sud, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam (SCB), mặc dù các ngân hàng nước ngoài có lợi thế riêng, nhưng trong 10-15 năm tới, thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay các ngân hàng trong nước.
“Nếu như ngân hàng nước ngoài có lợi thế về việc triển khai thành công các sản phẩm đã thành công ở các nước khác trên thế giới thì ngân hàng trong nước lại có lợi thế là nhanh chóng triển khai một sản phẩm tương tự trên diện rộng và nhanh”, ông Ashok Sud nói.
Nguồn: TBKTSG