Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Hiến kế" thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017

 Đại biểu Quốc hội cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, kiểm soát chặt nợ công, chống thất thu thuế...

Với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, các giải pháp đề ra cần sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn.


Các đại biểu Quốc hội lạc quan về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay (Ảnh minh họa: KT)

Trong các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp để Việt Nam có thể thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Kiểm soát chặt nợ công

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiến nghị hàng loạt giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu. Các giải pháp bao gồm tiếp tục thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với việc nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao tỷ trọng tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng. Triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng sản lượng khai thác dầu thô trong nước năm 2017 cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao; khai thác tối ưu trên cơ sở đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường...


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; triển khai ngay các biện pháp 'giải cứu' ngành chăn nuôi heo và phát triển thị trường tiêu thụ; tiếp tục triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất và khai thác thủy sản tại các khu vực chịu tác động bởi sự cố môi trường biển…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cam kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tìm cách thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ và thị trường trong nước...

Hình thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt

Đề xuất giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đến cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ (chỉ khuyến khích ngành thép, xi măng...).

Ông Thanh kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP HCM.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ phải được tập trung thực hiện theo hướng ổn định lạm phát cơ bản, điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng điện, xăng dầu...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Ngoài ra, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các giải pháp khác mà ông Thanh đề xuất bao gồm: Thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một số mặt hàng của các doanh nghiệp FDI; thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến. Đồng thời, cần đầu tư, xây dựng thương hiệu những sản phẩm có chất lượng quy mô sản xuất lớn để phục vụ xuất khẩu...

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Quyết liệt chống thất thu thuế, gian lận thương mại

Bộ trưởng Dũng khẳng định, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao tỷ trọng tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại ngân hàng thương mại yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống; giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, phải quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế cuối năm nay giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách Nhà nước năm 2017.

Bộ trưởng Dũng cũng kiến nghị theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và điều hành hợp lý giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả kiểm soát lạm phát.

Một giải pháp nữa hết sức quan trọng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển các phần mềm ứng dụng và thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử viễn thông, sản phẩm công nghệ cao,... tạo sức lan tỏa cho ngành công nghiệp hỗ trợ./.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM