Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA) Trung Quốc đại lục và Đài Loan mới ký kết hôm 29/6 có thể sẽ làm thay đổi môi trường thương mại ở châu Á.
Nếu ECFA được thực hiện một cách suôn sẻ và góp phần xoá bỏ các rào cản thương mại cũng như cắt giảm thuế, nó sẽ tạo ra cú hích mạnh đối với nền kinh tế Đài Loan, trong khi Bắc Kinh lại đạt được bước tiến mới trong việc biến Đài Loan trở thành một phần không thể tách rời.
ECFA thúc đẩy hàng hoá Trung Quốc thâm nhập Đài Loan và ngược lại
Trong bối cảnh Trung Quốc và Đài Loan đã ký ECFA, các động thái của Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với chiến lược mà Nhật Bản sẽ theo đuổi. Hiện nay, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, ba nền kinh tế chủ chốt ở châu Á, đang thảo luận về hiệp định thương mại tự do ba bên. Tuy nhiên, các nước này có quan điểm quá khác biệt về một khu vực thương mại tự do FTA ở Đông Bắc Á. Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: “Trước khi thiết lập FTA giữa ba nước, chúng tôi muốn ký kết hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và sau đó thúc giục Trung Quốc có các nhượng bộ”.
Tuy nhiên, toan tính này của Nhật Bản có thể sẽ thất bại khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong nội các tìm cách để ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Trong cuộc họp nội các tháng 4/2010, Tổng thống Lee nói: “Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý và môi trường kinh doanh này đang thay đổi một cách nhanh chóng. Cần phải chuẩn bị một cách tích cực và hiệu quả”.
Mặc dù Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng thiết lập FTA với Trung Quốc do các vấn đề liên quan tới nông nghiệp và một số vấn đề khác nhưng ECFA có thể sẽ mang lại bất lợi cho các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, theo Chính phủ Hàn Quốc, nước này hiện có 14/20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất đang phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm cùng loại của Đài Loan, trong đó có các sản phẩm như ti vi màn hình tinh thể lỏng, các thiết bị bán dẫn và các sản phẩm hoá dầu. 14 mặt hàng này chiếm tới 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Vì vậy, Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc lại chiến lược của mình, nhất là khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, chiếm tới 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2009.
Các cuộc thương lượng về FTA giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang khiến Nhật Bản lo ngại do các hoạt động tương tự giữa Tokyo và Bắc Kinh vẫn đang bế tắc, nhất là các vấn đề liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ và nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu ECFA tạo ra động lực cho cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản có thể sẽ buộc phải theo đuổi các cuộc thương lượng ba bên với hai nước này.
Mặt khác, ECFA cũng có thể buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải xem xét lại các chiến lược kinh doanh của mình. Nghiên cứu viên cao cấp Shingo Ito của Viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng “việc tăng cường quan hệ với các doanh nghiệp Đài Loan có thể là một cách để khai thác thị trường Trung Quốc”.
Vì sao Đài Loan ký ECFA với Trung Quốc?
Có thể thấy các quan ngại về kinh tế ở Đài Loan là nguyên nhân chính khiến họ sẵn sàng ký ECFA với Trung Quốc. Năm 2010, hầu như tất cả các thuế suất giữa Trung Quốc và 6 nước thành viên cũ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bị xoá bỏ. Điều này đã làm kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 6 nước này tăng 60% trong 5 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Đài Loan cảm thấy bị cô lập. Mặc dù gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO nhưng vùng lãnh thổ này vẫn không thể tham gia các cuộc thảo luận về các hiệp định tự do thương mại trong khu vực Đông Á.
Trung Quốc đại lục và Đài Loan có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ. Hơn 70.000 công ty của Đài Loan đang hoạt động ở Trung Quốc đại lục, nhất là ở các khu vực duyên hải và 1,2 triệu doanh nhân Đài Loan đang làm việc ở Trung Quốc. Một quan chức Đài Loan cho rằng Đài Loan đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc đại lục.
Trong quá trình thương lượng ECFA, Đài Loan đã đề nghị Trung Quốc giảm thuế suất đối với các mặt hàng công nghệ cao như tivi màn hình tinh thể lỏng. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ đề nghị này khi cho rằng họ có các chiến lược để tăng trưởng ngành công nghiệp của riêng mình. Mặc dù vậy, trong danh sách các mặt hàng giảm thuế theo ECFA, cá đông lạnh và chuối là những mặt hàng chủ yếu sản xuất ở miền Trung và Nam của Đài Loan, khu vực là tiền đồn ủng hộ Đảng Dân tiến (DPP) đối lập. Việc đưa thêm các sản phẩm này vào danh sách các mặt hàng được giảm thuế đã gửi một thông điệp tới DPP, đảng vẫn phản đối ECFA, cũng như đối với sự thống nhất của Đài Loan với Trung Quốc đại lục.
Mặc dù vấn đề quy chế với hòn đảo này luôn là đề tài tranh cãi từ lâu nay, nhưng trong lễ ký kết ECFA, hai bên vẫn thể hiện một bầu không khí hữu nghị. Ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan của Trung Quốc đại lục, cho rằng người dân ở hai bên bờ eo biển hy vọng rất lớn vào hiệp định này. Trong khi đó, người đồng nhiệm Đài Loan Giang Bính Khôn cũng ca ngợi hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
(Toquoc)