Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hiệp hội sắt thép Trung Quốc: cuộc chiến tồn kho còn kéo dài đến năm sau

Năm 2009 sắp qua đi, cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng đã tạm lắng xuống, kinh tế dần có nhiều dấu hiệu khởi sắc đáng mừng. Riêng thị trường sắt thép, trong năm nay đã trải qua nhiều biến động lớn. Một trong những nhân tố ảnh hưởng khá nhiều đến giá thép là lượng tồn kho. Nếu các nhà máy thép và cơ quan hữu quan vẫn chưa thống nhất được cách giải quyết vấn đề này thì “hàng tồn kho” vẫn là một mối nguy hiểm lớn cho ngành công nghiệp sắt thép.

 

Trong thời điểm mà lượng thép đầu ra trên toàn thế giới đều sụt giảm thì sản phẩm của Trung Quốc không hề tụt giảm mà còn tăng cao hơn. Lượng tồn kho trong quý III lập mức cao kỷ lục trong năm nay. Các nhà máy khác trên thế giới nhìn Trung Quốc ngưỡng mộ trước khối lượng sắt thép khổng lồ hàng năm quốc gia này sản xuất ra thị trường.

 

Nhưng đối với các nhà máy Trung Quốc, tình hình xem ra phức tạp hơn nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội thép Trung Quốc, chỉ trong tám tháng đầu năm tổng sản lượng toàn cầu trừ Trung Quốc giảm 1,86 tỷ tấn, giảm khoảng 32.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc lại tăng 18,28 triệu tấn, tăng khoảng 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong nửa đầu năm 2009 nhờ các gói hỗ trợ có hiệu quả của chính phủ nên khối lượng giao dịch và giá cả của các mặt hàng thép không ngừng tăng. Nhưng bên cạnh đó, lại nảy sinh ra một vấn đề rất nan giải là cung luôn vượt quá cầu, các kho hàng luôn trong tình trạng quá tải, các sản phẩm thép thường xuyên đối mặt với nguy cơ rớt giá.

 

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 8 sản lượng bình quân mỗi ngày toàn quốc đạt 1.69 tỷ tấn, với năng suất này bình quân trong năm 2009 cả nước cho ra thị trường 6,17 tỷ tấn.

 

Sản lượng đầu ra quá nhiều như trên thì quá tải tồn kho là chuyện hiển nhiên.Vào thời điểm này năm trước, ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng hàng loạt để cân bằng thị trường. Trong đầu năm nay,các bước của kế hoạch tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho đã thực hiện khá thành công nên khiến cho thị trường ấm trở lại. Nhưng càng về cuối năm, do lượng sản phẩm đầu ra quá nhiều nên lại đẩy ngành thép lâm vào tình trạng bị động về giá cả.

 

Năm ngoái, do ảnh hưởng của đợt khủng hoảng tài chính nên trong bốn tháng cuối năm giá thép mới bắt đầu hồi phục và dần tiêu thụ lượng hàng tồn kho những tháng trước, mãi tận đến tháng 11 thì giá thép mới thực sự hồi phục.

 

Tháng 5 năm nay đánh dấu bước tăng giá thép liên tiếp trong ba tháng và đạt đến đỉnh điểm trong tháng 8 rồi đi xuống khá mạnh. Thép thanh vằn, tấm đúc và thép cuộn cán nóng đã bị mất giá 12-25%.

 

Thêm nữa, trong năm nay, Trung Quốc lại thiên về nhập siêu, do đó chi phí sản xuất thép khá cao do nguồn nguyên liệu ngày càng đắt đỏ. Trong tháng 6, giá nguyên liệu tăng 17.9%, tháng 7 tăng 32%, tháng 8 tăng 46% với mức tăng chóng mặt của giá nguyên liệu như trên chúng ta đủ thấy ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc đang gặp khó khăn đến mức nào.

 

Giá nguyên liệu tăng cao đã khiến cho một số nhà máy lớn nội địa hướng ra đầu tư các nguồn nguyên liệu nước ngoài để tăng tính chủ động hơn cho nguồn nguyên liệu góp phần ổn định sản xuất.

 

Một trong những lý do tác động đến tính ổn định của các mặt hàng sắt thép trong năm nay do sự phân bố sản xuất không đồng đều và thiếu tính hợp lý. Trong khi các kho hàng ngày càng bị quá tải trầm trọng thì các lò nung của các nhà máy vẫn hoạt động hết công suất.

 

Vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp bất chấp sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng đang xảy ra trong thị trường. Mâu thuẫn này hầu như tồn tại xuyên suốt và không có hướng giải quyết. Trong những thập niên 90, cả nước Trung Quốc chỉ cần sản xuất ra 1 tỷ tấn thép, nhưng đến nay các nhà máy đã cho ra thị trường mỗi năm 6 tỷ tấn.

 

Điều may mắn cho ngành thép Trung Quốc là các công trình hạ tầng cơ sở không ngừng phát triển nên có thể tiêu thụ hết lượng sản phẩm khổng lồ của các nhà máy, nhưng đây không phải là một giải pháp lâu dài. Nếu các nhà máy Trung Quốc cứ tiếp tục sản xuất tràn lan như thời gian qua thì tình trạng khủng hoảng sẽ xảy đến trong tương lai gần.

 

Năm vừa rồi, sản lượng sắt thép Trung Quốc đã vượt qua cả tổng sản lượng của tám nước lớn trên thế giới như Nhật, Mỹ. Nhà chức trách cho rằng Trung Quốc nên chuyển từ một nước sản xuất thép số lượng lớn thành một cường quốc sản xuất thép mạnh trên thế giới với thiết bị kỹ thuật hiện đại và chất lượng sản phẩm tốt hơn.

 

Để thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc cần phải thực hiện bốn bước cải cách căn bản sau:

 

Thứ nhất, trang bị máy móc hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đồng thời cũng góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.

 

Thứ hai, các nhà máy nhỏ lẻ ở địa phương phải tiến hành hiện đại hóa sản xuất, các nhà máy lớn ngoài chức năng sản xuất còn phải kiêm vai trò chi phối điều tiết để ổn định thị trường.

 

Thứ ba, cố gắng tận dụng hết nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước để cho ra các sản phẩm chất lượng khá tốt với chi phí sản xuất không quá cao.

 

Thứ tư, tăng tính đồng nhất và kiên kết chặt chẽ giữa nhà máy cung cấp nguyên liệu, nhà máy sản xuất và người tiêu thụ.

(Sacom)

ĐỌC THÊM