Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hiệp hội thép không đồng ý tăng thuế xuất khẩu

* Một số doanh nghiệp kinh doanh thép cho biết, họ đang phải bán giá thép rất thấp để cắt lỗ.

* Hiệp hội thép chính thức có văn bản chuyển phát nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ không đồng ý việc “tăng thuế xuất khẩu thép”.

Doanh nghiệp kêu lỗ, quản lý bảo không

Theo phàn nàn của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thép, hiện nay thép đang ế giữa mùa xây dựng. Từ tháng 3 đến nay, kinh doanh thép không hề có lãi. Sản lượng tiêu thụ thép đã giảm 30% so với cùng kỳ.

Trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), giá thép phi 6-8 có giá 17.600 đồng/kg (bao gồm VAT); thép sản xuất trong nước phi 8 gai giá 17.655 đồng/kg; thép cây sản xuất trong nước cũng có giá giao động từ 17.490 đồng – 17.655 đồng/kg. Hiện các doanh nghiệp đang tìm nhiều cách để giảm lượng hàng tồn kho, lấy tiền trả nợ ngân hàng.

Chủ tịch Hiệp hội thép, ông Phạm Chí Cường cho biết, trong thời gian gần đây, ngành thép luôn kinh doanh “lỗ”. Thép xây dựng là ngành hàng chủ lực của ngành thép nhưng đang ế. Từ tháng 3 đến tháng 5, giá thép giảm mạnh, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/kg. Giữa tháng 5 có nhích lên, nhưng cuối tháng 5 lại giảm. Đáng buồn hơn là giá thép đã giảm tận đáy vẫn ế.

Theo ông Cường, nguyên nhân chính là do rất nhiều công trình xây dựng bị đình lại từ “cắt giảm đầu tư công” của Chính phủ, đầu tư bất động sản cũng đang trầm lắng.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ của cơ quan quản lý, Bộ Công thương cho rằng, hệ thống phân phối thép luôn có vấn đề. Hiện các doanh nghiệp lớn sản xuất thép ở trong nước, nhất là VNSteel mới chủ yếu đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán sỉ và một vài hệ thống phân phối thép đến chân công trình, trong khi chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ phù hợp. Bản chất giá thép lên xuống là do doanh nghiệp sản xuất không thể điều tiết và kiểm soát giá thép bán ra trong hệ thống. Trong khi đó, thép đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh ngày càng gắt gao. Ông Nguyễn Lộc An - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho rằng, có quá nhiều phân cấp trong hệ thống phân phối làm làm cho thị trường trở nên manh mún, tản mạn, lộn xộn, kinh doanh chụp giật theo từng lô hàng, từng sự vụ. Doanh nghiệp kêu nhưng cái thiệt vẫn là người tiêu dùng.

 

Tăng thuế xuất khẩu?

Trước thông tin Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) có văn bản đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng thép, thép xây dựng lên 1,3-2%. Ông Phạm Chí Cường đã bày tỏ quan điểm phản đối. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Hiệp hội thép cho biết, sáng nay (7-6) văn bản kiến nghị của Hiệp hội đã được chuyển phát nhanh đến tay Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ, ban, ngành. Có 3 lý do để phản đối đề xuất của Vụ Chính sách thuế. Mặc dù ngành thép đang có những biểu hiện của cung vượt cầu, số liệu tồn kho cao, tiêu thụ nội địa chậm chỉ bằng 50% sản lượng, đáng lẽ phải khuyến khích xuất khẩu, đằng này lại tính thuế.

Lý do tăng thuế để bù vào phần điện, Chủ tịch Hiệp hội thép cho biết, cơ cấu giá điện chỉ chiếm 6% trong giá thành phôi, và chiếm 0,6 -0,7 giá thành thép xuất khẩu. Do vậy, nếu để tính vào thuế là điều không nên. Ông Cường còn cho rằng, ngành thép hàng năm vẫn nhập siêu đến 8 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu chỉ được 1,3 tỷ USD. Thời điểm này chưa thích hợp để đưa ra loại thuế “xuất khẩu thép”.

Trên thực tế, nhìn vào quy hoạch, ngành thép đang có những hạn chế nhất định. Sự phát triển tràn lan, tự phát đã khiến cho cung thép vượt khá xa nhu cầu. Đặc biệt, tại một số thời điểm, ở một số địa phương thép vẫn thiếu hụt, giá cả trồi sụt thất thường. Rõ ràng, ngành thép cần phải điều chỉnh lại cơ cấu, tính toán sản lượng và kênh phân phối.

Nguồn tin: Daidoanket

ĐỌC THÊM