Theo tin từ hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ngày 7.6, hiệp hội này vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ phản bác lại thông tin của bộ này đề xuất mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3% với lý do: lợi nhuận ngành thép đang có được là nhờ được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng từ 10-15 USD/tấn (tức là khoảng 214.000 - 321.000 đ/tấn tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu).
Theo tính toán của bộ Tài chính, ngành thép lãi chủ yếu là nhờ được hưởng giá điện thấp. Nhưng Hiệp hội Thép cho rằng tính toán này là không đúng. Ảnh: LMK |
Dẫn các số liệu thống kê về chi phí, giá thành sản xuất các loại giá thép của nhiều nhà máy thép, VSA cho rằng, bộ Tài chính đã sai vì giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép không cao, vì thế lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại kể cả khi đã tính đủ giá điện do tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA nói thêm, trong các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi (600 KWh/tấn), còn các sản phẩm khác, chỉ tiêu hao 100 - 120 KWh/tấn. “Nhưng việc tăng sản xuất phôi thép trong nước là chủ trương của Nhà nước để giảm bớt phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài, chứ không nhằm mục tiêu xuất khẩu phôi”, ông này nói.
Cũng theo VSA, việc xuất khẩu phôi thép là cấp thiết do nhập siêu trong ngành thép là rất cao, hơn nữa tình trạng đầu tư không tuân thủ Quy hoạch Thủ tướng duyệt tháng 9/2007, làm cho công suất các nhà máy hiện tại đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước. Thống kê của tổng cục Hải quan cho thấy, riêng năm 2010, lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 11 triệu tấn với kim ngạch trên 7,09 tỷ USD trong khi đó, tổng lượng thép xuất khẩu và tái xuất khẩu năm 2010 là 1.420.209 tấn với tổng kim ngạch 1,17 tỷ USD.
Như vậy, nhập siêu của ngành thép năm 2010 là khoảng 6 tỷ USD. Do đó, VSA kiến nghị Chính phủ khuyến khích xuất khẩu thép vì thị trường trong nước tiêu thụ hết bằng cách áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu, cho thoái thu thuế VAT chứ không phải lại tăng thuế lên như đề nghị của bộ Tài chính.
“Việt Nam là nước mới tham gia thị trường xuất khẩu thép, tính cạnh tranh về giá thành còn thấp, nếu đánh thuế xuất khẩu vào thép sẽ giảm khả năng xuất khẩu, sản phẩm thép sẽ chủ yếu bán trong nước lượng dư thừa sẽ trầm trọng hơn”, ông Phạm Chí Cường nói. Hơn nữa, theo ông Cường, mức thuế suất thuế xuất khẩu 3% mà bộ Tài chính đề nghị áp dụng đã vượt xa so với mức bù giá do EVN đề nghị.
Cũng tương tự như ngành thép là ngành sản xuất xi măng, theo bộ Tài chính, sản xuất xi măng là ngành sử dụng nhiều khoáng sản, đồng thời cũng là ngành sản xuất có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, giá xuất khẩu xi măng không cao (40-45USD/tấn) nên khó bù đắp chi phí, đây cũng là ngành được hưởng “lợi” nhờ giá điện thấp (khoảng 2,4USD/tấn). Vì vậy cơ quan này cũng đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng mức thu thuế xuất khẩu clinker là 5%. |
Trước đó, theo tính toán của bộ Tài chính, ngành thép lãi chủ yếu là nhờ được hưởng giá điện thấp.Cơ quan này cho biết, theo mặt bằng giá hiện nay thì giá điện bình quân đảm bảo không lỗ ít nhất phải bằng 165% giá điện bình quân năm 2010 (1.242 đồng/Kwh). Như vậy giá đảm bảo không lỗ ước tính vào khoảng 1.777 đồng/Kwh. Năm 2011, mặc dù giá điện bình quân đã tăng 1.242đ/Kwh song vẫn chưa đảm bảo không lỗ. Và chênh lệch về giá điện các doanh nghiệp được “hưởng lợi” là 535đồng/Kwh.
Nếu ngành thép chỉ phải trả giá điện theo mức giá bình quân năm 2011 thì lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá điện của việc sản xuất 1 tấn thép từ luyện quặng, phế liệu sẽ là 214.000 đồng/tấn (lò hiện đại) và 321.000 đồng/tấn (lò luyện lạc hậu. Như vậy lợi nhuận có được từ việc hưởng lợi giá điện thấp khoảng từ 10-15 USD/tấn thép.
Để điều tiết sự bất hợp lý trên, bộ Tài chính tính đề xuất thu 3% thuế xuất khẩu đối với thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhằm hạn chế xuất khẩu các loại thép này...
Nguồn tin: SGTT.VN