Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hiệp hội Thép phản ứng

Dự thảo của Bộ Công Thương đang được gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan về quyết định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có thép và phôi thép đang nhận phải những phản ứng trái chiều của các DN ngành thép.

Mới đây, Hiệp hội Thép VN (VSA) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng, không cần thiết phải áp dụng cơ chế dự trữ lưu thông đối với thép, vì điều này sẽ chỉ tạo nên cơ chế xin - cho, phát sinh tiêu cực.

Đi ngược quy luật thị trường

Theo tờ trình dự thảo của Bộ Công Thương, thép xây dựng là một trong những mặt hàng thiết yếu được quy định trong Pháp lệnh Giá, luôn tiềm ẩn những rủi ro liên quan tới biến động cung - cầu, đặc biệt có cả nguyên nhân chủ quan do đầu cơ, lũng đoạn thị trường của khâu phân phối. Đặc biệt, phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 80% giá thép thành phẩm. Trong khi đó, phôi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, 40% còn lại phải nhập khẩu. Giá thép trong nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá phôi thép trên thế giới.

Các doanh nghiệp ngành thép đã không đồng thuận với quy định bắt buộc thép dự trữ lưu thông. Ảnh: T.L
Các doanh nghiệp ngành thép đã không đồng thuận với quy định bắt buộc thép dự trữ lưu thông. Ảnh: T.L

Do đó, để góp phần bình ổn thị trường thép, việc quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với phôi thép (chủ yếu là phôi vuông dùng trong sản xuất thép xây dựng) là cần thiết. Theo dự thảo của Bộ Công Thương, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép/đơn vị (không kể là DN sản xuất, nhập khẩu hay XK) và từ 3-5% lượng phôi thép mà doanh nghiệp nhập khẩu năm trước đó.

Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%. Bù lại, DN sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí khi thực hiện dự trữ bắt buộc như được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay dự trữ lưu thông bắt buộc, được NHNN đảm bảo ngoại tệ thực hiện NK...

Ngay khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến DN, nhiều DN đã tỏ rõ sự không đồng tình. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA - khẳng định: Không thể xem mặt hàng thép cũng như gạo, xăng dầu, phân bón để áp dự trữ lưu thông bắt buộc. Trong bối cảnh ngành thép cung đang vượt cầu thì việc yêu cầu dự trữ bắt buộc đối các các DN là hoàn toàn không cần thiết, điều này chỉ dẫn đến việc Nhà nước phải bỏ ra ngân sách để bình ổn; DN luôn phải lo dự trữ một lượng lưu thông.

Trong khi đó, những quy định hành chính can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như giá mua, giá bán, mức xuất nhập, mức dự trữ... là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đi ngược quyền tự chủ trong kinh doanh và không phù hợp quy luật thị trường.

Tái diễn xin - cho

Cũng theo ông Cường, trong 5 năm gần đây, mức tiêu thụ thép xây dựng chỉ khoảng 50-60% công suất các nhà máy cán thép, cho thấy thị trường chưa bao giờ thiếu thép xây dựng. Sự khan hiếm, biến động giá cả hoàn toàn không phải do thiếu thép, mà bởi các DN còn phụ thuộc một phần lớn vào lượng phôi NK. Ngoài ra, không loại trừ có cả nguyên nhân trong một vài thời điểm xảy ra sốt cục bộ, thậm chí “sốt ảo” do các khâu trung gian găm giữ hàng vì kỳ vọng giá lên.

Theo VSA, hiện hằng tháng các thành viên hiệp hội đều dự trữ xấp xỉ 500.000 tấn phôi thép, khoảng 300.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể phôi và sản phẩm thép tồn ở các Cty thương mại. Như vậy, chưa có quy định dự trữ bắt buộc thì các DN ngành này cũng chủ động dự trữ lượng phôi và sản phẩm tồn cao hơn nhiều so với mức quy định trong dự thảo.

Bên cạnh đó, việc dự thảo quy định giá bán lẻ hàng dự trữ lưu thông bắt buộc của DN thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% cũng không thực tế. Quy định này chỉ áp dụng đối với những DN có thị phần lớn, có khả năng chi phối thị trường. Nhưng hiện thị trường thép đã cạnh tranh rất mạnh. Các DN thuộc TCty Thép VN (VN Steel) chỉ chi phối 22,26% thị phần; các liên doanh có vốn góp của VNSteel chi phối 21,88%, phần còn lại trên 50% thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ông Cường cho biết: Việc quy định giá bán thấp hơn giá thị trường 10% chỉ có lợi cho các Cty trung gian, người sử dụng trực tiếp không hề được hưởng. Quy định giá bán thấp như vậy sẽ hình thành cơ chế xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối, Nhà nước chịu thiệt mà người tiêu dùng không được hưởng. Hơn nữa, nếu cơ quan chức năng quy định dự trữ bắt buộc thì mới chỉ nắm được anh “có tóc” là các Cty sản xuất thép, còn thì số lượng các Cty kinh doanh, XNK thép thì không thể nắm được vì luôn biến động. Vì vậy, buộc các Cty này phải dự trữ bắt buộc cũng không khả thi.

Vì vậy, hiệp hội đề nghị bộ xem xét kiến nghị với Thủ tướng những biện pháp hữu hiệu, nhằm bình ổn thị trường tránh những quy định hành chính đối với doanh nghiệp thép. Cần áp dụng với thép tương tự như với mặt hàng ximăng đang dư thừa gần 50% công suất.

Nguồn tin: Laodong

ĐỌC THÊM