Hiệp hội đề nghị cho phép các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn thép phế liệu từ các nước
Thông tin trên trang web của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị, các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn đảm bảo điều kiện môi trường làm nguyên liệu sản xuất.
Xử lý rác phế liệu đang là vấn đề đáng lo ngại. Ảnh minh họa
Hiệp hội đánh giá, sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất ra sản phẩm với năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.
Theo VSA, sản xuất thép từ phế liệu còn tiết kiệm được tài nguyên đảm, bảo phát triển bền vững, nhất là khi trữ lượng quặng sắt của thế giới được dự báo chỉ đáp ứng cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa.
Căn cứ vào năng lực sản xuất của các nhà máy, Hiệp hội dự báo, Việt Nam cần khoảng 31,6 triệu tấn sắt thép vụn giai đoạn 2018 – 2020, trong đó nhập khẩu chiếm gần 19 triệu tấn. Do đó, trước mắt Hiệp hội đề nghị cho phép các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn thép phế liệu từ các nước để phục vụ sản xuất trong nước.
Trung Quốc cấm nhập, thép phế liệu dồn vào Việt Nam
Báo cáo từ Tổng Cục hải quan, đến hết ngày 15/6, Việt Nam nhập hơn 2,28 triệu tấn sắt thép phế liệu, với kim ngạch hơn 816 triệu USD. Lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng hơn 800.000 tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đã tăng hơn 50%.
Báo cáo mơi đây của Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, cửa ngõ nhập hàng hóa lớn nhất nước đang tồn hơn 3.000 container hàng phế liệu nhập khẩu đã và đang nằm tại cảng quá thời hạn quy định.
Lượng phế liệu nhập khẩu vô chủ này không chỉ gây nguy hại cho môi trường và khiến ảnh hưởng đến năng lực xếp dỡ và cất trữ của cảng.
Với sự gia tăng nhập khẩu phế liệu hàng loạt, Tổng cục Hải quan mới đây đã có chỉ thị gấp yêu cầu tạm dừng nhập các loại phế liệu không rõ nguồn gốc, đích đến và đặc biệt phiếm chỉ các doanh nghiệp.
Trong khi lượng sắt thép phế liệu và các loại phế liệu nhập vào Việt Nam lớn chưa từng có thì các loại sắt thép thành phẩm cũng được tăng cường nhập vào Việt Nam.
Cụ thể, sắt thép các loại nhập vào Việt Nam hơn 5 tháng qua đạt hơn 6,3 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD, trong đó phôi thép (đầu vào cho luyện thép) chỉ có lượng nhập cực kỳ ít ỏi 123.000 tấn (chiếm 2% tổng lượng sắt thép), với kim ngạch hơn 60 triệu USD.
Sản phẩm từ sắt thép thành phẩm cũng có kim ngạch nhập khẩu cao, hơn 1,5 tỷ USD. Các kim loại thường cũng được tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam, với 823.000 tấn, giá trị hơn 3 tỷ USD, trong đó lượng đồng nhập khẩu đạt 171.000 tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD.
Nguyên nhân được cho là do Trung Quốc - nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới tuyên bố cấm nhập các loại phế liệu về nước (từ cuối năm 2017), lượng phế liệu gồm sắt thép, nhựa, giấy... đã đổ dồn về nhiều nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.
Nhiều chuyên gia từng bày tỏ lo ngại, việc nhập khẩu sắt thép phế liệu là trong sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam có khối lượng lớn là sắt thép lấy từ các thiết bị, máy móc cũ, thép vụn và thép công trình cũ. Trong đó, nguy hiểm nhất là các loại sắt thép từ máy móc cũ thuộc các công trình, nhà máy hóa chất được thải loại nhập khẩu về Việt Nam chưa qua xử lý.
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV ngày 5/6 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc nhập khẩu phế liệu ngoài sắt, thép còn nhiều loại khác như túi nilon, nhựa, rất ô nhiễm. Về chủ trương chung, sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu. Hiện nay, một số nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, chúng ta sẽ xem cái nào là phế liệu, cái nào là chất thải để có lộ trình hợp lý. Tôi rất đồng tình Việt Nam không đủ năng lực công nghệ để xử lý chất thải, nên chúng ta sẽ phải “nói không” với nhập khẩu chất thải.
Nguồn tin: Đất việt