Có thể nói việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua là một thách thức đối với kỳ vọng giảm lãi suất theo nguyên lý lãi suất thực dương vì sức mua đối ngoại giảm đã kéo theo sức mua đối nội cũng giảm, gây áp lực lạm phát.
Như vậy, vấn đề gốc để cứu vãn tình thế chênh lệch tỷ giá không chỉ là một quyết định hành chính, mà còn phải ở cơ cấu xuất nhập khẩu, tiềm năng ngoại tệ và đặc biệt là cơ chế đồng bộ để quản lý đặc biệt đối với ngoại hối nói chung và ngoại tệ nói riêng.
Nguyên nhân chính của vấn đề tăng cầu ngoại tệ ở nước ta là do nhập siêu, do tình trạng USD hoá, do tâm lý sính USD, do độc quyền găm dữ... dó đó, chính sách ngoại tệ của ta hơn lúc nào hết cần phải dựng hàng rào chống nhập siêu bằng các giải pháp chống USD hoá (cả kinh tế bằng cơ cấu lại quan hệ xuất - nhập khẩu và hành chính đánh thẳng vào các biểu hiện USD hoá nền kinh tế) chứ không nên chọn giải pháp chống nhập siêu chỉ đơn thuần bằng tỷ giá.
Nền kinh tế thị trường phải được vận động bằng các quan hệ hàng hoá - tiền tệ theo các qui luật cung - cầu, giá trị... Nếu để tỷ giá tham gia đáng kể vào việc đẩy lạm phát lên cao thì sẽ lại sớm lâm vào tình trạng một vòng luẩn quẩn: Tỷ giá tăng - lạm phát - Phá giá nội tệ - Tỷ giá tăng... Kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế là hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, hoặc đơn giản hơn chỉ là để “khắc phục” tình trạng 2 tỷ giá trong nhà băng. Đây là tư duy có vẻ hợp lý thuyết, tuy nhiên chỉ mang tính ngắn hạn. Trên thực tế, chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài để phát triển mà nền kinh tế lại đang bị USD hoá và “tỷ giá bên trong” luôn luôn bị tỷ giá bên ngoài kéo lên mới là điều đáng lo ngại, vì thế các mong muốn trên chỉ là không tưởng nếu không nhìn thẳng vào gốc vấn đề: thiếu cân đối ngoại tệ hiện nay.
Ở VN, trong bối cảnh cơ cấu kinh tế và “sức sản xuất” như hiện nay thì hễ tỷ giá tăng là lập tức M2 (tổng phương tiện thanh toán) sẽ tăng và kích thích lạm phát gia tăng. Với những nhận diện nói trên, tác giả đề xuất một số giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn như sau:
Trước hết, NHNN cần ban hành văn bản trình Chính phủ, TTCP giải pháp cho tăng trữ USD bằng cách đề nghị thống nhất ngay một đầu mối quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước duy nhất là NHNN, đồng thời hạn chế, thậm chí kiểm soát bằng con đường thanh toán qua NHNN các nguồn thu ngoại tệ quốc gia để chi tiêu thường xuyên bằng ngoại tệ của NSNN (triển khai triệt để hiệu lực điều 34 Luật NHNN VN 2010). Trong ngành đề nghị Chính phủ cho phép qui định tăng rất mạnh lãi suất cho vay đôla vì hiện nay lãi suất này đang thấp hơn lãi suất cho vay bằng tiền đồng tới hơn 10%, tiến tới có lộ trình chấm dứt các hoạt động tín dụng ngoại tệ trong lãnh thổ.
Thứ hai, NHNN có thể bơm thanh khoản VND cho NHTM không hạn chế nếu vật thế chấp hay bán đứt là USD bên cạnh việc bơm tái cấp vốn VND có liều lượng nếu vật đảm bảo là các giấy có giá theo qui định.
Thứ ba, NHNN ra chính sách khuyến khích các bên tham gia thanh toán xuất, nhập khẩu bằng đa dạng các loại ngoại tệ khác có khả năng thanh toán (Nhân dân tệ, Yên Nhật, EUR...) và cho phát triển thị trường hoán đổi các ngoại tệ đó qua Trung tâm thanh toán quốc gia do NHNN quản lý và tham gia (triển khai thực hiện điều 28 và khoản 5 điều 31 Luật NHNN VN 2010).
Thứ tư, đề nghị các đơn vị kinh tế nói chung và kinh tế xuất, nhập khẩu nói riêng, không phân biệt thành phần kinh tế phải tính toán lại giá thành sản phẩm. Tránh “té giá theo USD”, trong đó bao gồm cả việc cắt giảm những chi phí gián tiếp bất hợp lý, loại bỏ các phương thức hay công cụ sản xuất lạc hậu gây gia tăng chi phí ngoài nhân tố USD.
Còn về trung và dài hạn, cần có chiến lược triệt để chống USD hoá - Phải coi ngoại tệ nói chung là một loại hàng hoá đặc biệt và chỉ do Nhà nước độc quyền quản lý, kiểm soát và điều hành việc sử dụng. Cá nhân hay tổ chức có ngoại tệ (không phân biệt thành phần kinh tế) nhất thiết không được phép dùng ngoại tệ thanh toán trực tiếp trong trao đổi hàng hoá, dịch vụ trong nội địa, mà chỉ có thể: bán cho NH, gửi tại NH với lãi suất ấn định thấp ngang với lãi suất thị trường liên ngân hàng tại Mỹ cùng thời điểm và hoặc sở hữu dưới dạng chứng khoán ngoại tệ.
Mặt khác, đưa ra lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt việc hoạt động tín dụng ngoại tệ trên lãnh thổ, trước hết là áp dụng đối với các NHTM giảm ngay việc cho khách hàng vay ngoại tệ (trừ tín dụng thương mại dưới dạng mua, bán chịu và phát hành thương phiếu hay giấy có giá bằng ngoại tệ trong thời hạn ngắn hạn...)
Đối với khu vực Chính phủ và nền kinh tế ngoài việc phải tuân thủ luật pháp về quản lý ngoại hối, cần giảm mạnh chi tiêu công bằng ngoại tệ, mọi phát sinh thu và chi ngoại hối dự trữ Nhà nước phải qua duy nhất một đầu mối và mở tài khoản thanh toán qua NHNN (NSNN cũng không chi trả ngoại tệ trực tiếp cho bên thụ hưởng). Cuối cùng, đối với các đơn vị hoạt động nhập khẩu phải định kỳ báo cáo phương án cân đối ngoại tệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khẳng định tính khả thi về nguồn cân đối ngoại tệ trong thanh toán. Theo đó, các bên nhập khẩu và các bên xuất khẩu phải chỉ rõ “ngân hàng của mình” trong việc tiêu thụ và sử dụng ngoại tệ trong thanh toán quốc tế.
Tóm lại, một số đề xuất vừa nêu có thể cần tiếp tục rộng đường tranh luận, tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn ủng hộ mọi ý kiến hướng về sự bảo vệ và vinh danh sức mua đối nội và sức mua đối ngoại của đồng nội tệ VN cho tới khi nó trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi. Gốc gác của việc tỷ giá chính thức luôn luôn phải đuổi theo tỷ giá ngoài thị trường không chính thức trước hết vì nền kinh tế nhập siêu, sau là vì nền kinh tế luôn có tình trạng USD hoá cũng như có quá nhiều “chợ” ngoại tệ nên rất cần có “bàn tay sắt hữu hình” bên cạnh các quy luật của thị trường để quản lý, kiểm soát và điều hành thị trường ngoại hối VN.
Nguồn: Stockbiz