Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hoa Kỳ áp thuế với sản phẩm thép ống : Kháng kiện - cần thiết và cẩn trọng

Mỹ đã áp đặt mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp từ 0% lên 28% đối với các DN xuất khẩu ống thép hàn carbon của VN mã HS 7306. Tuy nhiên, việc khó nhất của các DN là phải kháng cáo nhằm... tránh tạo tiền lệ.

 

Các DN sản xuất, XK mặt hàng bị điều tra lại chủ yếu là các DN vừa và nhỏ nên nguồn lực dành cho những vụ kiện như thế này cũng không nhiều.

 

Ngoài VN, ba nước khác là Ấn Độ, Oman, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm ống thép hàn carbon. Được biết, ống thép hàn carbon là loại thép dùng trong ngành sản xuất, trang trí nội thất dân dụng, có thuế suất nhập khẩu sang Mỹ đang ở mức 0%.

 

10 DN bị điều tra chống bán phá giá

 

Được biết, nguyên đơn khởi kiện là Cty Allied Tube & Conduit, JMC Steel Group, Wheatland Tube và Tập đoàn Sắt thép Mỹ. Thời gian 10 DN VN bị điều tra chống bán phá giá từ 1/4 đến 30/9/2011. 10 DN VN gồm: Asia Huu Lien Joint Stock Co., Ltd; Daiwa Lance International Asia Huu Lien Joint Stock Co., Ltd; Daiwa Lance International Company, Ltd; Hoa Phat Steel Pipe Co; Hoa Sen Group; Hyundai-Huy Hoang Pipe; SeAH Steel Vina Corporation; Cty TNHH Hongyuan; Vietnam Germany Steel Pipe JSC ("VG-Pipe"); Vinapipe vđ Vingal Industries Co., Ltd. Theo đại diện Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, hiện 2 DN đã thuê được luật sư và được phía DOC áp mức thuế như sau: Cty thép Hongyuan là 0% và SeAH Steel Vina chịu mức 0,04%. (Hai DN này chiếm đến 70% kim ngạch XK ống thép của VN vào thị trường Hoa Kỳ).

 

Theo Hiệp hội Thép VN, các DN VN còn lại không tham gia vụ kiện chống bán phá giá với lý do số lượng thép ống XK vào Mỹ không nhiều, nếu theo kiện chi phí sẽ rất lớn và không cáng đáng nổi.

 

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, lượng thép XK của VN gần đây tăng cao, cộng thêm với giá bán ở mức khá thấp, khiến các nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.

 

Ông Nguyễn Văn Hải - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, đây là vụ kiện kép cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Điều này đồng nghĩa với việc các DN sẽ phải bỏ gấp đôi thời gian, công sức và tiền bạc để thuê luật sư tư vấn, chuẩn bị tài liệu, trả lời bảng câu hỏi, gửi bảng câu hỏi… Và nếu kết luận cuối cùng dẫn đến việc áp cả hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp thì DN sẽ rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng”, cùng lúc phải chịu hai thứ thuế, việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ vì vậy có thể khó khăn hơn nhiều.

 

Theo nhiều phân tích của chuyên gia, đối với một ngành chưa từng có kinh nghiệm kháng kiện chống bán phá giá cũng như chống trợ cấp như ngành thép thì việc cùng lúc phải đối phó với hai vụ kiện là điều rất khó khăn. Trong khi đó, các DN sản xuất, XK mặt hàng bị điều tra lại chủ yếu là các DN vừa và nhỏ nên hệ thống kế toán chứng từ thường không đạt tiêu chuẩn và nguồn lực dành cho những vụ kiện như thế này cũng không có nhiều để theo kiện đầy đủ và hiệu quả.

 

Những bất lợi đối với DN VN

 

Trong số 365 vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ tính đến tháng 6/2011 thì có tới 136 vụ điều tra liên quan đến thép.

 

Được biết, ngành sản xuất thép Hoa Kỳ có “truyền thống” bảo hộ rất mạnh thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số 365 vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ tính đến tháng 6/2011 thì có tới 136 vụ điều tra, tức là hơn 1/3 số vụ liên quan đến thép và các sản phẩm từ thép. Trong đó, ống thép carbon tiêu chuẩn đã từng nhiều lần bị kiện. Vụ đầu tiên năm 2001, Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Romania, Nam Phi nhưng sau đó do không có đủ bằng chứng về thiệt hại nên vụ kiện chấm dứt mà không đi đến kết luận áp thuế. Lần thứ hai là năm 2007, Hoa Kỳ kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với Trung Quốc. Kết quả là thép carbon tiêu chuẩn của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 69,2%-85,55%, thuế chống trợ cấp 29,62-616,83%, các lệnh áp thuế này vẫn còn hiệu lực cho đến bây giờ. Đây cũng là một “án lệ” rất nguy hiểm mà Hoa Kỳ có thể áp dụng với VN trong vụ việc này.

 

XK ống thép sang Hoa Kỳ tuy còn nhỏ nhưng có nhiều triển vọng đối với DN. Mặc dù hiện tại chưa có số liệu thống kê đầy đủ về kim ngạch XK ống thép carbon tiêu chuẩn của VN sang Hoa Kỳ nhưng nói chung thép không phải là một sản phẩm XK chủ lực của VN, và ống thép carbon tiêu chuẩn cũng không phải là mặt hàng XK lớn trong số các sản phẩm thép XK của VN. Tuy nhiên, lượng XK sang Hoa Kỳ tăng liên tục trong những năm gần đây cho thấy đây có thể là một sản phẩm XK triển vọng. Do vậy, vụ kiện có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của sản phẩm này. Đồng thời nó có thể tạo ra tâm lý không tốt cho DN XK các sản phẩm khác sang Hoa Kỳ khi mà “cứ hễ” sản phẩm nào XK có triển vọng là ngay lập tức phải đối mặt với nguy cơ bị kiện.

 

Riêng đối với vụ kiện chống trợ cấp, rủi ro và phạm vi tác động đã vượt ra ngoài phạm vi của DN sản xuất ống thép. Cụ thể, thường thì một chương trình bị cáo buộc là trợ cấp gây thiệt hại không chỉ áp dụng với một sản phẩm cụ thể là đối tượng điều tra mà có thể áp dụng cùng lúc cho nhiều sản phẩm khác trong nhiều ngành. Do đó kết quả kháng kiện chống trợ cấp ở vụ thép có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả các vụ kiện chống trợ cấp trong tương lai ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa XK VN. Vì vậy, dù DN sản xuất ống thép chưa phải là mũi nhọn XK của VN thì việc kháng kiện chống trợ cấp trong vụ việc này vẫn cần phải được thực hiện cẩn trọng, tránh tạo ra những “án lệ” bất lợi cho VN trong tương lai. Nói như ông Vũ Mạnh Hải - Giám đốc Cty Luật Ánh Dương, việc tham gia đầy đủ của DN là vô cùng quan trọng để bảo vệ lợi ích của mình. Hơn nữa, các DN cần có sự phối hợp cả về phương hướng lẫn nguồn lực vật chất để đảm bảo lợi ích chung cho các DN.

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM