Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong quyết định sơ bộ về điều tra chống bán phá giá thép, cho rằng có việc sản phẩm thép cuộn cán nguội và tôn mạ của Việt Nam đã lẩn tránh thuế.
Quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO: Một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó. Cụ thể Thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng nhập về Việt Nam, qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ, sản phẩm đó, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.
Bất ngờ vào ngày 5/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong quyết định sơ bộ về vụ điều tra chống bán phá giá thép, đã cho rằng có việc 2 sản phẩm thép cuộn cán nguội và tôn mạ đã lẩn tránh thuế bằng cách từ Trung Quốc, qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ.
Vì vậy phía Mỹ đưa ra mức áp thuế rất cao, bao gồm cả thuế chống bán phá giá và thuế chống lẩn tránh thuế cho 2 sản phẩm này: 238,48% đối với tôn mạ và 522,23% đối với thép cuộn cán nguội, nếu các sản phẩm này có nguồn gốc nguyên liệu sản xuất là từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Bộ Công Thương Việt Nam ngay sau khi có thông tin, đã lập tức đã có văn bản phủ nhận thông tin này và khẳng định: Điểm mấu chốt trong sự việc này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình, khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể". Ngay trong chiều 8/12, đại diện Bộ đã khẳng định việc các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và kinh doanh thép sau đó xuất sang thị trường Hoa Kỳ là thực tiễn thương mại thông thường.
Về phía Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng ngay trong cuộc làm việc chiều ngày 8/12, Hiệp hội Thép cũng cho biết, từ cuối năm ngoái, khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam đã phải chấp nhận nộp tiền đặt cọc, hay nói cách khác là tiền tạm thu thuế theo mức thuế áp chống bán phá giá mà phía Mỹ áp đặt.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện Hoa Kỳ chưa có quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng cho các loại thép xuất khẩu vào nước này. Trong khi các quốc gia khác đang nhập khẩu thép từ Việt Nam, thường có quy định rất cụ thể về hàm lượng được hiểu như tỷ lệ nội địa hóa này, thường là ở mức 30% hoặc 40%.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được nguồn nguyên liệu để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn mạ của Việt Nam không phải dùng từ thép cán nóng của Trung Quốc sẽ không phải chịu thuế. Và trên thực tế hiện nay, hầu hết các sản phẩm thép của Việt Nam đã có tỷ lệ nội địa hóa khá cao, đủ tiêu chuẩn để mang xuất xứ Made in Việt Nam.
Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra chống bán phá giá thép, với sản phẩm thép cuộn cán nguội và tôn mạ của Việt Nam vào ngày 16/2/2018. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.
Nguồn tin: VTV