Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hòa Phát không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh thuế chống bán giá thép của Mỹ

 Trong khi đợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới HSG và NKG thì HPG không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài.

Theo báo cáo SSI Research, Bộ Thương mại Mỹ mới đây tuyên bố áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chống ăn mòn và cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với mức thuế 238%. Các mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi thuế chống bán phá giá áp dụng lên các sản phẩm thép Trung Quốc năm 2015, giá trị thép cuộn cán nguội của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 11 triệu USD/năm lên 295 triệu USD/năm, đóng góp 2,68% tăng trưởng mặt hàng Việt xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới một số công ty sản xuất thép Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài. Hiện tại, lượng thép xuất khẩu chiếm khoảng 40-45% tổng lượng thép của HSG và NKG.

Tuy nhiên, SSI Research nhận định đợt điều chỉnh thuế này không ảnh hưởng nhiều đối với các công ty trên. Thực tế, các công ty sản xuất thép dẹt của Việt Nam nhận thức được rủi ro Mỹ áp dụng các biện pháp bảo vệ nên đã chủ động xuất khẩu sang 50-70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trong đó có ASEAN, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ... Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường Mỹ chỉ tiêu thụ 13% lượng thép xuất khẩu khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, chỉ bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ tốc độ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép tăng mạnh. Do đó, có thể ước tính rằng khối lượng thép xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 5-7% tổng doanh số bán hàng của HSG và NKG. Mặc dù các công ty giảm thị phần thép xuất khẩu sang Mỹ nhưng lượng thép mạ trong 10 tháng 2017 đạt được mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, ngoài việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, HSG và NKG cũng đang đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu trong nước cũng như các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản... Do đợt điều chỉnh thuế nhắm vào các sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, các công ty xuất khẩu của Việt Nam có thể tránh điều này bằng cách tận dụng thép cuộn cán nóng mua từ các nguồn khác và đưa ra các chứng chỉ xác minh nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác, không phải từ Trung Quốc.

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM