“Vua tôn” đang phải xoay xở trước rất nhiều khó khăn.
Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hoa Sen báo lỗ. Đòn bẩy tài chính để duy trì cuộc cạnh tranh về giá và chiếm lĩnh thị phần đã khiến công ty này đang ngấm khó khăn vì nợ nần.
Nợ cao, lãi giảm
Trong quý mới nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ghi nhận mức lỗ ròng 102 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 (niên độ 1.10.2017-30.9.2018) chỉ ở mức 410 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ, dù doanh thu tăng 23%. Đây là hệ quả của việc chi phí đầu vào, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 40%, trong khi giá bán thành phẩm chỉ tăng 18% so với cùng kỳ. Những khó khăn chính hiện tại là dư nợ ở mức cao (khiến chi phí tài chính liên quan tăng mạnh), hàng tồn kho cao làm cho biên lợi nhuận giảm mạnh. Chưa hết, giá nguyên liệu và tính cạnh tranh tăng cao cũng đang là khó khăn cho toàn ngành nói chung.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu tiêu thụ tôn trong nước chỉ khoảng 2,5-2,8 triệu tấn nhưng tổng công suất thiết kế của toàn ngành đang lên tới 3,2-3,5 triệu tấn. Thêm vào đó, một đặc điểm của ngành tôn là các sản phẩm sẽ được xuất khẩu (như của HSG là 50%). Tuy nhiên, các công ty tôn Việt Nam phải đối mặt với khó khăn về thuế tự vệ, chống bán phá giá ở thị trường các nước nhập khẩu. Điều đó tăng áp lực lên thị trường nội địa.
Do thị trường tôn khá đồng nhất về chất lượng, các nhà sản xuất cần phải cắt giảm chi phí sản xuất mới có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh trong các năm tới. Kết quả kinh doanh “nghèo nàn” của Hoa Sen đã được giới phân tích dự báo trước. Đơn cử, vào ngày 19.9, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt đưa ra khuyến nghị “bán” với cổ phiếu HSG (khi đó còn có giá 12.000 đồng/cổ phiếu) “triển vọng tăng trưởng khiêm tốn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước và chi phí HRC đầu vào gia tăng” và đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu Hoa Sen là 9.000 đồng. Và hiện tại, giá cổ phiếu của Hoa Sen đã rơi xuống mức 9.000 đồng và đã phản ánh đúng những lo ngại đó của giới phân tích.
Hoa Sen cũng đã cố gắng xoay chuyển tình hình. Vào thời điểm 30.9.2018 (niên độ 1.10-30.9), tình hình kinh doanh của Công ty đã cải thiện đôi chút. Tồn kho cũng đã giảm mạnh, từ mức 8.900 tỉ đồng xuống còn hơn 6.600 tỉ đồng. Hiện tại, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã dương gần 390 tỉ đồng so với mức âm 2.100 tỉ đồng của năm ngoái.
Ngoài ra, Công ty cũng cắt giảm chi phí như bán hàng, hành chính và quản lý. Nợ cũng giảm xuống 10.800 tỉ đồng so với mức 12.400 tỉ đồng so với quý liền trước.
Trên thị trường tôn, Hoa Sen từng có thị phần tôn lên đến hơn 40% vào năm 2012, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 33% trong năm 2016. Sau đó, Công ty đã sử dụng chiến lược giá thấp để giành thị phần trên thị trường tôn mạ nội địa, và Hoa Sen phần nào đã thành công khi duy trì được thị phần vào khoảng 34% trước sức ép của hàng ngoại. Kết thúc năm tài chính này, số lượng chi nhánh đã tăng lên 470 cửa hàng.
Gỡ thế bí
Với đặc thù phụ thuộc và phải đi mua ngoài HRC để làm nguyên liệu đầu vào chính của quá trình sản xuất tôn và ống thép, sự lên xuống của giá HRC ảnh hưởng rất lớn đến biên lợi nhuận của Tập đoàn. Hiện tại, chỉ có một doanh nghiệp của Việt Nam đủ khả năng để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín trong ngành tôn và thép là Hòa Phát. Thế nên, câu chuyện của Hoa Sen hiện nay chủ yếu là về tăng sức cạnh tranh. Để gỡ thế bí hiện tại, một trong những động thái gần đây của Hoa Sen là hợp tác với Formosa để mua nguyên liệu đầu vào và tránh lỗ tỉ giá, qua đó giúp giảm giá vốn.
Tuy nhiên, cứu cánh lớn nhất cho Hoa Sen các doanh nghiệp ngành tôn mạ Việt Nam hiện nay là thuế chống bán phá giá tự vệ lên tôn nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, tôn nhập khẩu chiếm khoảng 32-33% thị phần, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất tôn tại Việt Nam vì giá bán thấp hơn đáng kể.
Vào ngày 27.8.2018, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ màu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Các nhà sản xuất thép màu Việt Nam (trong đó có Hoa Sen) phàn nàn rằng việc tôn thép bị bán phá giá tại Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO Công ty Cổ phần Biên An Toàn, một công ty đầu tư và quản lý tài sản, nhận định: “Ở góc độ ngành, bức tranh khó khăn vẫn chồng chất, Hoa Sen cũng như nhóm tôn mạ còn lại vẫn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập ngoại và xoay chuyển tình thế này là điều bất khả kháng vì cuộc chiến giá cả không phải là lợi thế cho các doanh nghiệp tôn trong nước. Nó thể hiện qua việc suy giảm nghiêm trọng biên lợi nhuận gộp của ngành tôn mạ mà ai cũng có thể thấy”.
Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư