Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hoa Sen – Mô hình cải tổ đối phó với khủng hoảng

Trong đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt khi giá thép giảm sâu gần 60% so với thời điểm cao nhất. Khi nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng còn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, Hoa Sen Group (HOSE: HSG) mạnh dạn đề ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Mạnh dạn bắt đáy khủng hoảng

Diễn biến giá thép cán nóng

 

Ngoài dự báo của nhiều doanh nghiệp, giá thép cán nóng đang ở mức đỉnh 1,092 USD/tấn vào tháng 6/2009 đã liên tục rớt với tốc độ nhanh xuống còn 458 USD/tấn vào tháng 11/2008. Ở bối cảnh đó, trong khi giá thép thế giới và nhu cầu trong nước cũng giảm mạnh thì HSG đã chủ động bán ra phần nguyên vật liệu tồn kho giá cao nhằm cắt lỗ.

Đáng ngạc nhiên hơn, vào tháng 4 và 5/2009 khi nhiều doanh nghiệp còn dè dặt trong việc sản xuất thì Hoa Sen đã ký hợp đồng nhập khẩu 100,000 tấn thép cán nóng đủ cho nhu cầu sản xuất trong vòng 9 tháng với giá trung bình 430 USD/tấn. Đây là động thái bắt đáy công ty mà chúng tôi cho rằng việc làm này hết sức táo bạo nhưng hết sức kịp thời. Hiện tại thép cán nóng được giao dịch trên 600 USD/tấn cao hơn so với mức dự báo.

Lượng thép cán nóng này đã nhập cảng sau 3-4 tháng ký hợp đồng nên Hoa Sen đang có đủ lượng nguyên liệu giá rẻ để sản xuất cho tới giữa năm sau.

Kiểm soát và cắt giảm chi phí

Một ưu điểm lớn trong chính sách của Hoa Sen giai đoạn khủng hoảng là đã chủ động cắt giảm 80% chi phí marketing, tài trợ quảng cáo; 100% chi phí mua sắm thiết bị dụng cụ văn phòng, giảm 30-50 chí phí điện nước, điện thoại. Ước tính tổng số chi phí cắt giảm được lên tới 216.3 tỷ đồng. HSG đã cố gắng giảm chi phí tài chính bằng cách chuyển đổi các khoản vay lãi cao sang vay lãi suất thấp, chuyển vay nợ USD sang vay VND, giảm nhanh tồn kho.

Ngoài ra, HSG thực hiện cắt giảm chi phí nhân sự-tiền lương và tạm hoãn một số dự án đang đầu tư trong đó dời địa điểm đầu tư dự án Dây chuyền xẻ băng thép và Lò ủ thép kiểu chuông từ Khu CN Phú Mỹ I, Bà Rịa -Vũng Tàu về đầu tư tại Nhà máy cán nguội tại Khu CN Sóng Thần II, Bình Dương đã tiết kiệm được chi phí đầu tư nhà xưởng, đầu tư hạ tầng khác, tiết kiệm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Tận dụng lợi thế của mô hình sản xuất khép kín

Theo đánh giá của chúng tôi lợi thế của Hoa Sen vượt trội hơn so với các doanh nghiệp khác do có mô hình sản xuất kinh doanh khép kín cùng với việc xây dựng triết lý kinh doanh và đội ngũ nhân lực tốt đã giúp công ty vượt qua khó khăn.

Mô hình sản xuất kinh doanh khép kín của Hoa Sen là sự tham gia của 3 công ty con vào dây chuyền của mình. Từ công đoạn nhập nguyên vật liệu đầu vào đến việc tiêu thu đều được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt hệ thống phân phối của HSG đã góp phần không nhỏ vào việc HSG trở thành doanh nghiệp đẫn đầu thị trường tôn. Hệ thống 82 chi nhánh này thực hiện giá linh hoạt, bảo đảm giá bán cạnh tranh tối đa, giao quyền chủ động giá bán cho các đơn vị, chi nhánh trên cơ sở giá bán tối thiểu (giá min). Do đó, đối với khu vực cạnh tranh cao thì các chi nhánh có thể bán giá cạnh tranh với đối thủ, khu vực cạnh tranh thấp thì chi nhánh có thể bán giá cao hơn mức giá sàn mà không bị hạn chế mức giá tối đa.

Ngoài ra, HSG đang có ưu thế hơn các doanh nghiệp trong ngành là sản xuất được thép cán nguội từ thép cán nóng. Thuế nhập khẩu thép cán nóng hiện tại là 8-12%, trong khi thuế nhập khẩu thép cán nóng là 0%.

Tuy nhiên với mô hình hoạt động với hệ thống phân phối do HSG đầu tư 100% vốn thì theo đánh giá của chúng tôi sẽ có 2 mặt: khi thị trường ổn định thì hệ hống này hoạt động rất hiệu quả, nếu thị trường biến động xấu thì công ty sẽ gánh chịu một khoản chi phí tương đối lớn.

Kỳ vọng giá cổ phiếu HSG

Nhờ có các giải pháp được thực hiện mà niên độ tài chính 2008 HSG đã thoát hiểm, đây là bài học quý giá đối với rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, HSG vẫn bị ảnh hưởng trong quý I niên độ tài chính 2009 (quý IV/2008) khi chịu lỗ 116 tỷ đồng do phải cắt lỗ bán hàng dưới giá vốn. Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của HSG nhận xét: “Nếu trì hoãn việc này thì có thể lỗ tới 500 tỷ đồng”. Trong 2 quý tiếp theo HSG đã có cuộc lội ngược dòng ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 15.8 và 109.8 tỷ đồng. Như vậy tính tới thời điểm cuối quý III năm tài chính, HSG có lợi nhuận sau thuế lũy kế là 9 tỷ đồng.

Sau khi vượt qua khó khăn, tháng 7 HSG bắt đầu bứt phá khi đạt lợi nhuận sau thuế là 65.9 tỷ tăng 27.43% so với tháng 6 và nâng lãi lũy kế 7 tháng lên 75.23 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm tài chính 2009.

Hiện tại với mức giá thị trường 43,800 đồng/cổ phiếu, ước tính lợi nhuận sau thuế của HSG niên độ kế toán 2009 là 145 tỷ, EPS chỉ đạt 2,543 đồng/cổ phiếu, như vậy cổ phiếu HSG đang được giao dịch với mức P/E forward là 17.22 lần.

HSG là một doanh nghiệp khá non trẻ được thành lập vào 2001 nên hiện tại công ty vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Trong nhiều năm vừa qua, mặc dù có nhiều khoảng thời gian giá thép diễn biến bất lợi nhưng HSG vẫn duy trì được lợi nhuận. Hiện tại, công ty này cho biết đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ cung cấp sản phẩm cho thị trường. Theo nhận định của chúng tôi nếu thị trường trong thời gian tới ổn định và nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ đi vào hoạt động đúng tiến độ thì sẽ đóng góp khoảng 120 tỷ lợi nhuận hằng năm.

Như vậy mức giá thị trường hiện tại đang kỳ vọng rất nhiều vào tương lai khả quan về khả năng tăng trưởng của HSG. Tuy nhiên tương lai còn nhiều tiềm ẩn rủi ro nên việc trả giá cao hiện nay cho một P/E của HSG cao với một lý lẻ sự tăng trưởng trong tương lai của công ty nghe có vẻ hợp lý nhưng quá khứ thì phủ nhận điều này.

(Stockbiz)

ĐỌC THÊM