Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hoan nghênh Thủ tướng chỉ đạo thận trọng thép Cà Ná

 Chính phủ phải giữ vai trò là người cố vấn cho Ninh Thuận, không để lặp lại bài học như Formosa.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận phải xem xét rất thận trọng dự án thép Cà Ná, tránh lặp lại bài học như Formosa, chiều ngày 9/3, ông Nguyễn Long Biên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang chờ chỉ đạo cụ thể.


Thủ tướng chỉ đạo thận trọng xem xét dự án thép Cà Ná

Ông Biên nhấn mạnh, hiện nay Thủ tướng còn chưa quyết định về mặt chủ trương, do đó, chưa thể trao đổi cụ thể.

"Ngay cả khi Thủ tướng đã phê duyệt về mặt chủ trương thì các cơ quan, bộ ngành cũng còn phải bàn bạc, thống nhất thực hiện từng bước. Phải rất thận trọng xem xét", ông Biên khẳng định.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Đồng Giám đốc Sở cho biết, sẽ nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

"Trên tình thần cầu thị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ KHĐT, Bộ TNMT... thực hiện đánh giá, xem xét nghiêm túc, cẩn trọng dự án đúng với tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng", Giám đốc Sở KHĐT Ninh Thuận thông tin.

Ông Đồng cho biết thêm, đối với những đự án lớn, có quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng thẩm quyền quyết định thuộc quyền Thủ tướng.

"Ninh Thuận với chức năng là cơ quan quản lý cấp địa phương sẽ cùng với các bộ ngành xem xét trình Thủ tướng về mặt chủ trương, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng Thủ tướng sẽ quyết định chấp thuận hay không chấp thuận về mặt chủ trương thực hiện dự án. Hiện nay chưa có gì cả", ông Đồng cho biết.

Quyết định sáng suốt

Trao đổi thêm với Đất Việt ,GS.TS Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng.

"Tôi rất hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng. Chỉ đạo phải thận trọng xem xét dự án cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã rất cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến góp ý từ dư luận và giới chuyên gia", vị chuyên gia vui vẻ cho biết.

Theo GS.TS Phạm Phố, việc triển khai dự án thép Cà Ná là một quyết định mạo hiểm, nhiều rủi ro. Theo ông, trong trường hợp triển khai thực hiện dự án, vấn đề nguyên liệu đầu vào cung cấp cho dự án là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất thép phải cần tới một nguồn nước rất lớn, trong khi Ninh Thuận là vùng hạn hán, vậy thì nước đâu để làm thép? Nếu lấy nước làm thép, Ninh Thuận sẽ không có nước để cung cấp cho sản xuất, không có nước để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.

Vị GS cũng cảnh báo, nếu thực hiện dự án trên Ninh Thuận sẽ phải đối diện với mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn.

"Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải xem xét thận trọng dự án này là hoàn toàn phù hợp", GS Phạm Phố nhắc lại.

Cũng đồng tình với quan điểm cho rằng cần tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, tuy nhiên, GS.TS Phạm Phố cho hay, lựa chọn phát triển bằng thép là lựa chọn mất nhiều hơn được.

"Tôi hiểu tâm lý địa phương là muốn có dự án để tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời có nguồn thu để nộp thuế. Tuy nhiên, Ninh Thuận đã không thể lường hết được nguy cơ phá hủy môi trường, phá vỡ nền kinh tế của địa phương", vị GS chỉ rõ.

Do đó, GS Phạm Phố cho hay, với chức năng là cơ quan quản lý cao nhất, Chính phủ phải giữ vai trò là người cố vấn cho Ninh Thuận, không để lặp lại bài học như Formosa.

Theo ông, từ vụ việc của Formosa, Chính phủ phải cho Ninh Thuận thấy rõ những cái người dân Hà Tĩnh nhận được từ dự án không đủ bù đắp cho những hậu quả họ đang phải gánh chịu.

"Ninh Thuận nhiều khi chỉ hiểu rất mộc mạc rằng có dự án là có việc làm, có tiền chứ họ chưa thể hiểu hết được cái nguy cơ về sau. Chính phủ phải chỉ cho họ thấy nguy cơ đó để quyết định lựa chọn", vị GS nói.

Một vấn đề nữa, GS.TS Phạm Phố cũng cho biết khả năng thép Cà Nà có lãi là rất khó. Thép Cà Ná khó có thể cạnh tranh được với thép Trung Quốc, trong khi thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

"Lời khuyên của tôi với Ninh Thuận là nên dừng dự án này, không nên thực hiện nữa", vị chuyên gia gửi gắm.

Thủ tướng chỉ đạo nóng

Trước đó, Bộ Công thương công bố đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 khiến dư luận và giới chuyên gia hoang mang, lo ngại.

Trước các luồng ý kiến dư luận trái chiều, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Thủ tướng chưa quyết về dự án thép Cà Ná vì chưa có căn cứ và cơ sở.

Theo đó, Thủ tướng có chỉ đạo giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổng hợp báo cáo thẩm định, xác định đầy đủ các yếu tố. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án thép cà Ná; yêu cầu Bộ Khoa học công nghệ báo cáo về vấn đề công nghệ vận hành dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá về tác động môi trường…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành báo cáo cụ thể về nhu cầu thị trường, tiềm năng phát triển, nguồn cung ứng nguyên liệu... Các yếu tố khác rất quan trọng như nguồn vốn đầu tư, công nghệ, xử lý vấn đề thải, khí, nước, môi trường… cũng được Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định yêu cầu phát triển của địa phương là đúng đắn, nhưng phát triển phải dựa trên cơ sở bền vững, hiệu quả.

"Rút kinh nghiệm từ Formosa, Thủ tướng chỉ đạo phải xem xét dự án thép Cà Ná rất thận trọng. Tinh thần là không lấy môi trường đổi dự án", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM