Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hoạt động ngân hàng 2011: "Tiến chứ không lùi"

Lãnh đạo một số ngân hàng cùng VnEconomy điểm lại những nét chính trong hoạt động của ngành năm 2010 và hướng tới năm 2011.

"Mong đợi ở các nhà tạo lập chính sách"

Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

“Có thể nói 2010 là năm nhiều thử thách với với ngành ngân hàng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn khắc phục. Ngân hàng đã phải đối mặt với các áp lực về huy động vốn và tăng vốn điều lệ, lãi suất và tỷ giá biến động…

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2010 tăng 27,65%, vượt qua mục tiêu 25% ban đầu, nhưng sự tăng trưởng không đều trong năm tạo ra những khó khăn mang tính chất cục bộ và thời điểm, giảm hiệu quả và ý nghĩa của mục tiêu đề ra.

Cũng trong năm 2010, chúng ta thấy Chính phủ rất mạnh mẽ trong việc đưa ra các giải pháp và chính sách để điều chỉnh thị trường. Vào đầu năm, gói kích cầu được áp dụng để giữ cho thị trường phát triển đúng nhịp. Gói hỗ trợ này đã dừng triển khai vào nửa cuối năm và thay vào đó là các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Vào cuối năm, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý gia hạn thời gian hiệu lực áp dụng vốn điều lệ mới đến hết ngày 31/12/2011, giải tỏa áp lực tăng vốn.
 
Hướng về năm 2011, tôi thấy Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với nhu cầu dịch vụ tài chính và cho vay tăng cao. Thu nhập bình quân của người Việt Nam cũng cao hơn trước đây dẫn đến gia tăng nhu cầu có các sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm thẻ và các dịch vụ tài chính cá nhân. Đây là một thị trường mở cho các ngân hàng vốn hiện tại vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu một cách đầy đủ.

Năm 2011 cũng sẽ mở ra một sân chơi lành mạnh hơn cho các ngân hàng khi Việt Nam tháo bỏ mọi rào cản cho các ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu khi gia nhập WTO năm 2007. Các ngân hàng nước ngoài sẽ được phát triển tự do hơn trên mảng tài chính ngân hàng trong khi các ngân hàng nội sẽ không ngừng cải tiến sản phẩm và nâng cao dịch vụ của mình để cùng cạnh tranh trong thị trường mở.

Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện những kế hoạch mang tính dài hạn hơn để cải tổ ngành ngân hàng, giúp các hoạt động ngân hàng nâng cao hiệu quả và minh bạch hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ phổ biến những quy định cụ thể việc thực hiện những luật mới để hướng dẫn hoạt động các ngân hàng và giúp hạn chế những trở ngại trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng bán lẻ trong nước.

Để ổn định thị trường tiền tệ, chúng tôi cũng mong đợi ở các nhà tạo lập chính sách, đề ra những giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất, tránh tâm lý lạc quan để dẫn đến tình trạng gia tăng lạm phát vượt bậc vào những tháng cuối năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nên kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng, quản lý thị trường ngoại tệ, giá vàng tránh những biến động đột biến như trong năm nay.

Môi trường quy định pháp lý của ngành ngân hàng cũng nên được tiếp tục cải cách dần dần cùng với sự gắn kết với dòng chảy của thị trường và các tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện vốn, các yêu cầu giám sát… Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, và nếu tiếp tục cùng chung tay xây dựng thì chúng ta sẽ thấy Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm lý tưởng nhất để đầu tư trong khu vực.

Với HSBC, năm 2010 chúng tôi đã thực hiện rất tốt các kế hoạch đề ra. HSBC đã mở rộng mạng lưới dịch vụ từ hai chi nhánh trong năm 2009 lên 12 điểm giao dịch; đã đáp ứng nhu cầu của các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng thuận tiện và đạt chất lượng hàng đầu. Hiện Ngân hàng HSBC Việt Nam đã có hơn 1.300 nhân viên làm việc tại tất cả các vị trí, so với con số hơn 1.000 nhân viên vào năm trước”.

"Ba xu hướng quan trọng"

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank)

“2010 là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng do các biến động về tỷ giá, lãi suất. Đây là hệ lụy của sự biến động giá vàng và lạm phát trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát và nâng cao chuẩn an toàn hoạt động cũng gây áp lực không nhỏ lên giá và nhu cầu vốn của các ngân hàng.

Ngoài ra, với thị trường chưa thực sự phục hồi, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do đầu ra và chi phí vốn lớn cũng làm cho các ngân hàng phải hết sức thận trọng trong việc phát triển hoạt động cho vay.

Triển vọng của năm 2011, về cơ bản, xét trong môi trường kinh tế tổng thể song hành cả những cơ hội và thách thức có thể thấy ba xu hướng phát triển quan trọng.

Thứ nhất, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiện ích và hiện đại. Hướng tới việc phát triển các mảng dịch vụ phi tín dụng nhằm thu về cho ngân hàng các nguồn lợi nhuận ít rủi ro hơn. Thứ hai là tăng cường quản trị rủi ro để tránh khủng hoảng. Và thứ ba là đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh theo xu hướng mở rộng phạm vi sang nhiều lĩnh vực, thông qua các hình thức thành lập nhiều công ty con vệ tinh hoặc liên doanh liên kết nhằm phân tán rủi ro, phát triển theo xu hướng chuyên môn hóa cao, góp phần tăng thu nhập.

Có thể thấy triển vọng phát triển ngành còn rất lớn, tuy nhiên các yếu tố cạnh tranh cũng sẽ ngày càng khốc liệt khi thị trường không chỉ dành riêng cho các tổ chức trong nước mà sẽ có sự góp mặt của các định chế tài chính lớn mạnh nước ngoài. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn pháp lý mới và đặc biệt quan tâm về những những biến động khó lường của lãi suất và tỷ giá.

Với Habubank, hai sự kiện thành công nhất trong năm 2010 là phát hành thành công 1.050 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu HBB trên HNX. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Habubank luôn tăng từ 25% - 30%, luôn nằm trong top 10 mgân hàng thương mại về quy mô và hoạt động hiệu quả.

Năm 2011, chúng tôi xác định tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro tập trung vào các ngành nghề ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, đồng thời mở rộng mạng lưới tập trung ở các khu đô thị lớn. Dự kiến tổng tài sản của Habubank trong năm 2011 đạt 46.619 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 4.050 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trước thuế và sau khi trích lập dự phòng đạt 750 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên mức 9,5%”.

"Tiến chứ không lùi"

Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)

“Nhìn lại, những năm gần đây phải nói là có nhiều biến động khách quan khó lường; ngay cả năm 2010 cũng ít người nghĩ là khó khăn đến thế. Vì vậy đã có sự thận trọng trong hoạt động cũng như trong định hướng kế hoạch cho năm 2011. Nền kinh tế Việt Nam phát triển vẫn chưa thực sự bền vững, vẫn tiềm ẩn những bất ổn.

Tuy nhiên, theo tôi khó khăn nhất là cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua chúng ta cũng đã chạm đến rồi.

Với riêng hoạt động ngân hàng, trong năm 2010, điểm được chú ý và có ảnh hưởng lớn là việc áp dụng các quy định pháp lý mới, được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Như quy định của Thông tư 13 là rất an toàn và chặt chẽ. Chính vì thế mà các ngân hàng phải vận động để vừa đáp ứng những chuẩn mực của Ngân hàng Nhà nước, vừa có tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng của mình là khá khó khăn. Nhưng trong khó khăn cũng sẽ có những cơ hội, anh quản trị và hoạt động tốt thì sẽ nắm bắt được để thành công.

Với MB, chúng tôi tự tin là có kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn nếu xẩy ra. Cho nên trong những bối cảnh đó vẫn xác định tiến chứ không lùi. Qua năm 2010 cũng như thời gian qua, tôi cho rằng cần phải xác định điểm xuất phát ban đầu là dự báo và năng lực dự báo. Khi anh dự báo tốt thì xác định những sách lược cụ thể và bước đi hợp lý. Và trong suốt quá trình đó phải làm sao gắn được uy tín, trách nhiệm của mình với khách hàng và cổ đông.

Đến hết quý 3/2010, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm và bắt đầu tập trung mổ xẻ, tính toán cho năm tới. Năm 2011 là năm đầu tiên MB bước vào kế hoạch 5 năm mới. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ về chiến lược. Có nhiều công việc phải làm để MB chuyển mình lên một vị thế mới. Định hướng vẫn là một tập đoàn. Các đơn vị thành viên, mục tiêu ít nhất phải là top 5 trên thị trường, tốt hơn là top 3.

Đi cùng với đó có thể là sẽ tiếp tục tái cấu trúc, vận hành theo chiến lược mới mẻ hơn, tất nhiên là sẽ không thay đổi quá nhiều so với hiện nay. Ví dụ như có những ngân hàng chuyên về bán lẻ, nhưng chúng tôi vẫn giữ MB là một ngân hàng đa năng; mình có thế mạnh thì tại sao lại phải bỏ.

Về các chỉ tiêu cụ thể cho năm 2011, phải chờ đại hội cổ đông sắp tới thông qua, nhưng định hướng chung là đặt tốc độ tăng trưởng cho các chỉ tiêu là từ 30% - 40%”.

"Còn tiềm ẩn một số rủi ro"

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank)

“2010 là năm đầu tiên sau thời kỳ suy thoái, ngành ngân hàng nói chung và ABBank nói riêng tiếp tục phải đối mặt với một số thử thách, khó khăn.

Thứ nhất, mặc dù nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại tuy nhiên suy thoái kinh tế vẫn có tác động không nhỏ. Một số diễn biến bất ổn của kinh tế thế giới (khủng hoảng nợ ở một số nền kinh tế châu Âu, những mâu thuẫn về chính sách tỷ giá của một số nền kinh tế lớn) cũng đã gián tiếp ảnh hưởng bất lợi đến Việt Nam. Thị trường bất động sản, chứng khoán chưa thực sự hồi phục cùng với biến động bất thường của giá vàng, giá USD trong nước tại một số thời điểm đã gây khó khăn nhất định đối với hoạt động của các ngân hàng.

Thứ hai, trong năm 2010 các tổ chức tín dụng đã tập trung tăng nhanh quy mô mạng lưới, phát triển các kênh bán hàng để chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng sâu rộng của các ngân hàng nước ngoài kể cả trong các lĩnh vực vốn là truyền thống của ngân hàng trong nước như lĩnh vực bán lẻ đã tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, các tiêu chuẩn về năng lực tài chính và một số chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng đã được áp dụng theo hướng đảm bảo an toàn hơn, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Để đáp ứng các tiêu chuẩn mới này, các ngân hàng cũng phải điều chỉnh cơ cấu tài sản, nâng cao năng lực tài chính, cơ chế quản trị rủi ro, chính sách kinh doanh… Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế, thị trường tài chính tiền tệ còn nhiều khó khăn, nhưng việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới đó là yếu tố quan trọng tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững trong năm 2011.

Hướng đến năm 2011, theo tôi nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố rủi ro, thách thức. Đó là lạm phát tăng cao trong năm 2010, những biến động về tỷ giá trên thị trường tự do, biến động giá vàng cho thấy nếu những yếu tố này không được kiểm soát có khả năng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế trong năm 2011. Bên cạnh đó, những khó khăn của nền kinh tế thế giới có thể là những rủi ro tác động gián tiếp.

Năm 2011 là năm Luật Các tổ chức tín dụng mới bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định những thay đổi quan trọng liên quan đến nhiều hoạt động của các ngân hàng như công tác tổ chức, quản trị, điều hành, giới hạn cấp tín dụng, hoạt động đầu tư… Việc áp dụng các quy định mới là thách thức đối với các ngân hàng để vừa đáp ứng quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hiệu quả.

Năm 2011 cũng là năm hạn chế về huy động tiền đồng đối với các ngân hàng nước ngoài được dỡ bỏ theo cam kết WTO, các ngân hàng tiếp tục mở rộng mạng lưới và phát triển phạm vi hoạt động sau quá trình tăng vốn sẽ càng gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường tài chính tiền tệ.

Nhìn chung, năm 2011 những yếu tố kinh tế tích cực sẽ ngày càng rõ nét tuy nhiên nền kinh tế tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến lược phù hợp, công tác dự báo và điều hành sát thực tiễn đồng thời cần tăng cường năng lực tài chính, quản trị, quản lý rủi ro để đối phó với những rủi ro có thể phát sinh.

Với định hướng tăng trưởng bền vững, điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, năm 2010, ABBank đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Đặc biệt, cuối năm 2010, ABBank đã thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên 3.830 tỷ đồng, phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng MayBank (Malaysia). Việc tham gia của các tổ chức tài chính lớn và uy tín trên thế giới thể hiện sự đánh giá cao của họ về hoạt động và tiềm năng phát triển của ABBank.

Trong năm 2011, tôi tin tưởng rằng ABBank sẽ tăng trưởng vượt bậc, hướng đến mục tiêu top 10 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam”.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM