Bước vào mùa mưa song nhu cầu tiêu thụ thép khá cao, sản xuất thép duy trì ổn định, tháng 8, sản lượng thép tròn ước đạt khoảng 372,2 nghìn tấn, tăng 1,1% so với tháng 7 nhưng tăng 27,8% so với tháng 8/2008, tính chung 8 tháng ước đạt 2.998,3 nghìn tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất phôi thép đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu (thép phế, gang, cốc) do các ngân hàng đảm bảo ngoại tệ chỉ ưu tiên cho vay ngoại tệ để nhập khẩu phôi, thép thành phẩm. Tuy nhiên, giá phôi sản xuất trong nước rẻ hơn từ 40 - 100 USD/tấn so với giá thế giới nên các doanh nghiệp trong ngành đã tận dụng thời cơ này đẩy mạnh sản xuất phôi, ước đạt 379,3 nghìn tấn, rút gần khoảng cách bằng 98,8% so với cùng kỳ.
Thị trường thép khá sôi động sau đợt tăng giá mới, Tổng công ty Thép Việt Nam vừa nâng giá bán ở khu vực miền Nam thêm 100 - 250 nghìn đồng/tấn so với giữa tháng 7, giá thép đứng ở mức 12 triệu đồng/tấn (đã có thuế VAT). Như vậy, tính từ tháng 5, thị trường thép đã 6 lần biến động do giá nguyên liệu thép nhập khẩu dần nhích lên trong nhiều tháng qua. Giá phôi và thép phế đều tăng từ 10 - 30 USD/tấn. Giá chào phôi thép tăng lên 490 - 500 USD/tấn, thép phế cũng lên tới 335 - 340 USD/tấn; Giá xăng và giá điện tăng là nguyên nhân đẩy giá thép xây dựng liên tục tăng. Vì vậy, cần phải theo sát diễn biến giá cả, tránh để các doanh nghiệp tự ý tăng giá bán gây bất lợi cho sản xuất và tiêu thụ thép trong nước.
Dự kiến trong quý IV sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án thép, đồng thời, kiến nghị UBND các tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án thép đáp ứng tiêu chuẩn công suất tối thiểu đối với lò cao là 700m3, lò điện từ 70 tấn/mẻ và lò thổi oxy từ 120 tấn/mẻ trở lên và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ điều kiện; kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch những dự án thép nằm ngoài quy hoạch nhưng có khả năng triển khai tốt và sản xuất những loại thép trong nước chưa sản xuất được.
(Vinanet)