Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, (DNNN) sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị toàn quốc về DNNN do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Mục đích của Hội nghị là rà soát các kết quả sau hơn 2 năm triển khai công tác cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó đưa ra nhận định, đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, các vướng mắc, tồn tại để tháo gỡ qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tính đến ngày 10/9/2018, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nhận được tổng số 461 kiến nghị của 108 đơn vị, gồm: 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 44 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, 46 địa phương.
Theo ông Tiến, các kiến nghị gửi tới hội nghị là về sự thay đổi tư duy nhận thức với các cơ chế chính sách mới. Vẫn còn một số lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu chưa hiểu, nắm bắt hết tư tưởng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết Quốc hội, các văn bản pháp quy về tinh thần đổi mới, do đó cách vận dụng chưa đúng dẫn đến lúng túng trong thực hiện.
Tiếp đó là lúng túng trong việc sắp xếp đất đai. Bên cạnh đó là các vướng mắc trong quy trình đấu giá, chọn cổ đông chiến lược, bán cổ phần... Hiện vẫn có một số doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp băn khoăn doanh nghiệp có thuộc đối tượng phải chọn cổ đông chiến lược, dù đã có quy định hướng dẫn. Về trường hợp ngành nghề kinh doanh là ngành nghề đặc thù, kinh doanh có điều kiện nhưng không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, khi doanh nghiệp bán cổ phần có quyền đưa ra điều kiện cho các cổ đông mua cổ phần cũng cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có các vướng mắc về người lao động, vẫn có ý kiến này khác trong chính sách lao động dôi dư. Hiện nay theo quy định chỉ hỗ trợ lao động dôi dư khi cơ quan đại diện chủ sở hữu thay đổi hình thức doanh nghiệp khi Nhà nước không còn nắm giữ 100% vốn. Tới đây vấn đề này sẽ được rà soát lại, hoàn thiện.
Các vấn đề liên quan đến niêm yết, giao dịch đã được quy định trong Quy chế đấu giá của Ủy ban chứng khoán và các quy định về chứng khoán. Những vấn đề này nếu doanh nghiệp không rõ có thể thuê tư vấn hoặc hỏi cơ quan nhà nước có liên quan giải đáp. Vừa qua, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục quản lý công sản cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các doanh nghiệp có vướng mắc cũng như tổ chức các đoàn đi xuống đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.
Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Nguồn tin: Công lý