Sau hai ngày (19 - 20/2) họp tại thủ đô Pari (Pháp), hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã đạt được thỏa thuận về các chỉ số đánh giá sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Pháp N.Sarkozy phát biểu trong cuộc gặp các thống đốc ngân hàng nhóm G20. Ảnh: AFP - TTXVN
Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Pháp (nước giữ chức chủ tịch luân phiên của G20 từ tháng 1/2011) Christine Lagarde, thỏa thuận này đánh dấu “bước tiến đầu tiên” hướng tới giải quyết tình trạng rối loạn của hệ thống tiền tệ và thương mại toàn cầu, góp phần đưa nền kinh tế thế giới vào đúng quỹ đạo tăng trưởng cân bằng và thịnh vượng.
Hãng AFP dẫn lời bà Lagarde, trong cuộc họp báo sau khi hội nghị G20 kết thúc, cho biết: Các quốc gia thành viên G20 đã có “một cuộc tranh luận dài và không đơn giản” trước khi đạt được thỏa thuận trên. Các chỉ số thể hiện sự mất cân bằng của nền kinh tế bao gồm các yếu tố bên trong như nợ công, thâm hụt tài chính, tỉ lệ tiết kiệm cá nhân và nợ cá nhân; cùng một số yếu tố bên ngoài như cán cân thương mại hay các nguồn lợi nhuận đầu tư.
Hiện sự mất cân bằng của nền kinh tế được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự rối loạn tài chính toàn cầu. Theo bà Lagarde, các chỉ số này không phải là một khuôn khổ mang tính ràng buộc nhưng nó mở đường cho những giải pháp tiếp theo để đi đến sự hợp tác toàn diện về kinh tế giữa các quốc gia.
Bà Lagarde nhận định, một thỏa thuận như vậy là cần thiết vào thời điểm này để tránh cho thế giới khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tiếp theo. Có thể nói hội nghị G20 lần này đã thành công ngoài mong đợi, bởi theo như dự báo trước đó, sự khác biệt giữa tăng trưởng nhanh tại các nước đang phát triển và sự phục hồi chậm chạp cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao tại nhiều quốc gia phát triển là những yếu tố gây bất đồng khiến hội nghị khó có thể đạt được thỏa thuận.
Trên thực tế, trong hai ngày họp, các nước G20 đã không nhất trí được về cách thức đánh giá sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu do hầu hết các nước không muốn công khai chỉ số phản ánh sự mất cân đối của kinh tế. Trung Quốc và Đức, hai quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, không muốn bị chê trách là có mức thặng dư mậu dịch quá lớn.
Tỷ giá hối đoái là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều đối tác thương mại về đồng NDT, vẫn bị coi là được định giá quá thấp. Một vấn đề khác gây bất đồng, đó là xác định các số liệu đi kèm với các chỉ báo, như bao nhiêu phần trăm GDP thì bị coi là mất cân đối cán cân thanh toán vãng lai.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), điểm này rất quan trọng để có thể xác định đến mức độ nào thì cần phải thi hành các biện pháp điều chỉnh; trong khi nhiều nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, không chấp nhận đề nghị đó. Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thậm chí đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu các nước tiếp tục đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết, hội nghị G20 sẽ không thể thành công.
Nhận định về kết quả của hội nghị G20, bình luận viên kinh tế Andrew Walker cho rằng: Câu hỏi lớn được đặt ra là các quốc gia G20 sẽ ứng phó như thế nào khi các chỉ số cho thấy “sức khỏe” nền kinh tế của họ đang bất ổn. Đạt được thỏa thuận nói trên đã khó, đi những bước tiếp theo còn khó hơn.
Nguồn: Baotintuc