Số dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương không dừng lại ở con số 12 dự án. Mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều dự án tai tiếng của các doanh nghiệp khác trong ngành Công Thương, trong đó nổi lên là loạt dự án của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV).
Hơn 20 lần bị kiểm toán 'gọi tên': Tập đoàn Than lộ hàng loạt sai phạm
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 5 chuyên đề; 5 dự án đầu tư xây dựng độc lập; kết quả tư vấn định giá của 7 doanh nghiệp cổ phần hóa.
Nhiều sai phạm đã được chỉ ra, trong đó nổi lên là tình trạng kinh doanh bi đát, kém hiệu quả của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Bị “điểm danh” đến hơn 20 lần trong báo cáo kiểm toán, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam đã có nhiều sai phạm bị phát hiện sau khi Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Tập đoàn này.
Một số doanh nghiệp của TKV có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính như Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 9,83 lần. Có công ty phải giám sát tài chính đặc biệt, đó là Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin, Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin.
Hoạt động đầu tư tài chính của một số đơn vị thuộc TKV không hiệu quả, thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, giải thể. Đó là trường hợp Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP 451 tỷ đồng, Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa 137,15 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin 126 tỷ đồng.
Một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ lập không sát diễn biến thị trường , một số giá sản phẩm giảm mạnh, dẫn đến một số dự án thua lỗ lớn khi đưa vào khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.
Cụ thể, Dự án nâng công suất khai thác lộ thiên mỏ sắt Nà Lũng hiện đang triển khai dự án một cách cầm chừng, chủ động giãn tiến độ do giá tinh quặng sắt giảm mạnh.
Dự án đầu tư Công trình Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Bát Xát - Lào Cai và Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy luyện đồng Lào Cai giá đồng thế giới năm 2015, 2016 giảm mạnh, thấp hơn so với giá bán trong phương án tính toán hiệu quả đầu tư.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng của TKV sản lượng năm 2016 chỉ đạt khoảng 37%, đến 31/12/2016 lỗ lũy kế 248 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Amon nitrat công suất 200.000 tấn/năm và các sản phẩm khác của Tổng Công ty Hóa chất mỏ - Vinacomin lỗ lũy kế năm 2016 là 142 tỷ đồng.
Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai thuộc Tổng công ty Khoáng sản TKV đã dừng thực hiện nhưng chưa quyết định dừng dự án, chi phí đã đầu tư 118 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê hoạt động đầu tư ra nước ngoài của TKV không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.
Trước tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty mẹ - TKV thực hiện kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị thành viên và người đại diện phần vốn tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót, hạn chế.
Kiểm toán đề nghị làm rõ và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc thoái vốn tại Công ty liên doanh Southern Mining chưa thực hiện đầy đủ chủ trương của Bộ Công Thương, gây thiệt hại cho Tập đoàn số tiền số tiền 61,9 tỷ đồng đồng; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc ra quyết định đầu tư các dự án tại Lào và Campuchia không có hiệu quả, dẫn đến việc Tập đoàn có thể thiệt hại số tiền 363 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Đầu năm 2018, qua thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tới Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nguồn tin: Thanh tra