Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục khai hải quan đối với mặt hàng thép không gỉ NK vào Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ để tính thuế, phương pháp tính thuế, thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế, thủ tục nộp và hoàn trả thuế chống bán phá giá thực hiện theo quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC.
Đối với việc khai báo trên tờ khai hải quan điện tử, việc khai mã áp dụng mức thuế chống bán phá giá tương ứng với mức thuế suất thuế chống bán phá giá vào ô đầu tiên trong chỉ tiêu “mã áp dụng thuế suất/ mức thuế” trên tờ khai hải quan điện tử. Bộ mã áp dụng mức thuế chống bán phá giá được quy định tại Phụ lục đã được Bộ Tài chính ban hành cụ thể (Bảng mã thuế suất thuế Chống bán phá giá ban hành kèm theo Công văn 14087/BTC-TCHQ ngày 6-10-2014).
Đối với tờ khai hải quan thủ công, trên cơ sở tờ khai NK ban hành kèm theo Thông tư 15/2012/TT-BTC, người khai hải quan khai thuế chống bán phá giá vào tiêu chí 27- thuế Tiêu thụ đặc biệt của tờ khai hải quan NK và phụ lục tờ khai NK in.
Đồng thời trên tiêu chí 27 sẽ được thay thế bằng “thuế Tiêu thụ đặc biệt/thuế tự vệ/thuế chống bán phá giá”. Việc ghi trị giá tính thuế, thuế suất và số tiền thuế tự vệ phải nộp trên các ô tương ứng của tờ khai theo đúng quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm thời sử dụng mẫu 02/HNK ban hành kèm theo Quyết định 723/QĐ-BTC để thu thuế chống bán phá giá trong trường hợp cơ quan Hải quan trực tiếp thu tiền mặt cho đến khi có mẫu biên lai mới, lãnh đạo chi cục phụ trách trực tiếp ký và đóng dấu treo của đơn vị.
Trường hợp tờ khai có nhiều mặt hàng, không có thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng có thuế chống bán phá giá thì sửa ô “Tiền thuế Tiêu thụ đặc biệt” thành “tiền thuế chống bán phá giá”.
Trường hợp tờ khai có cả thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế chống bán phá giá thì viết thành 2 biên lai thu thuế: Một biên lai thu thuế NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế Bảo vệ môi trường; Một biên lai thu thuế chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra hồ sơ hải quan, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận xuất xứ và các giấy tờ liên quan khác do nhà sản xuất phát hành để xác định nước xuất xứ, tên nhà sản xuất/XK.
Đồng thời các đơn vị hướng dẫn người khai hải quan khai báo chính xác theo quy định nêu trên. Trường hợp người khai hải quan cho rằng sản phẩm NK thuộc những mã hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá nhưng không thuộc phạm vi hàng hóa bị điều tra thì đơn vị hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương để được làm rõ.
Đặc biệt, đối với vai trò của Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa XNK (thuộc Tổng cục Hải quan), Bộ Tài chính yêu cầu việc thông báo kết quả phân tích phải nêu rõ chủng loại thép, hình dạng thép, độ dày thép, phương pháp xử lý thép để có đủ thông tin xác định mặt hàng thép có thuộc đối tượng chống bán phá giá theo Quyết định 7896/QĐ-BCT.
Nguồn tin: Hải quan