Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hướng đi nào cho doanh nghiệp thép Việt Nam?

Để tồn tại cũng như phát triển, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần nỗ lực trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và rút ngắn thời gian giao hàng, nhất là xây dựng thương hiệu trong nước cũng như quốc tế.


Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội mở rộng hơn cánh cửa để các doanh nghiệp thép Việt Nam tiến vào các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Canada, Mexico, Australia…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2014 lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn, giảm 4,7%, so với cùng kỳ năm 2013.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013.

Theo thống kê của Viện gang thép Đông Nam Á (SEAISI), năm 2013, Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ làm tăng nguồn cung các sản phẩm trong khi sức mua nội địa còn yếu dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh sự mất cân đối về cung cầu, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh trên, theo ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, các DN nên tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, đồng thời xây dựng đồng bộ lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cụ thể, về chất lượng sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Các doanh nghiệp phải kiên định với mục tiêu tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tiết giảm chi phí sản xuất thông qua quy trình kinh doanh khép kín nhằm kiểm soát tốt chi phí qua từng công đoạn, tối thiểu hóa giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Thiết lập kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để có thể nắm được lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ.

Bên cạnh việc khẳng định vị thế trên sân nhà, doanh nghiệp thép Việt Nam nên tận dụng tối đa các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm cũng như các cơ hội trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Theo ông Lê Phước Vũ, thị trường xuất khẩu là một miếng bánh khổng lồ nhưng không dễ dàng giành được. Khi xuất khẩu các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa giá trẻ của Trung Quốc.

Thêm vào đó các sản phẩm thép của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế và khu vực do vậy sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi phát triển tại các thị trường mới này.

Đặc biệt, sự thay đổi trên thị trường quốc tế ngày càng nhanh, trong bối cảnh kinh tế các nước vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, thì chính phủ các nước đang có xu hướng thiết lập hàng rào thương mại thông qua các hình thức chống bán phá giá và tự vệ thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Do vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và rút ngắn thời gian giao hàng, nhất là xây dựng thương hiệu trong nước cũng như quốc tế.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định thương mại tự do của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì đây là Hiệp định có vai trò quan trọng trong việc mở rộng hơn cánh cửa để các doanh nghiệp Việt Nam tiến vào các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Canada, Mexico, Australia…

Nguồn tin: Xây dựng

ĐỌC THÊM