Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hướng tới mục tiêu GDP 6,7%: Trông cả vào chính sách tiền tệ

 Mặc dù GDP quý II có sự tăng trưởng đột biết, tuy nhiên nhiều dự báo cho rằng khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% trong năm nay là khó, nhất là khi chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa…

MarketIntello vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2017 trong đó đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là 6,4%.

GDP quý II bất ngờ đột biến

Nếu như tăng trưởng GDP của quí I đột ngột rơi xuống mức thấp 5,15% , thì quý II chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của GDP.
Theo phân tích của MarketIntello, tăng trưởng quý II là một hiện tượng đột biến khi GDP quí II tăng 6,17% so với cùng kì góp phần giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức 5,73%. Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của quí này so với quí trước thì tăng trưởng quí 2 cao hơn quí I tới 1,02 điểm phần trăm.

“Thông thường GDP của Việt Nam có mức tăng trưởng thấp trong qúy I, sau đó tăng tốc dần vào các quí sau. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng quý II năm nay cao hơn tốc độ tăng trưởng quí I tới hơn 1 điểm phần trăm có thể được xem là mức tăng đột biến, bất thường…”- Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành MarketIntello phát biểu.

Theo đó, trong quá khứ từ năm 2001 trở lại đây chỉ có một lần duy nhất điều này diễn ra vào quí 2. Đó là vào năm 2009, khi tăng trưởng quý I/2009 của Việt Nam chỉ đạt 3,14% do khủng khoảng kinh tế -tài chính toàn cầu, và tăng trưởng quý II đã hồi phục trở lại, đạt mức 4,41%. Nếu loại trừ trường hợp đặc biệt năm 2009, trong quá khứ từ 2001 tới 2016, mức tăng quí sau hơn quí trước trên 1 điểm phần trăm chỉ diễn ra 6 lần và đều rơi vào quý III.

Tuy nhiên GDP quý II có tạo đà cho cả năm hay không vẫn là câu hỏi mở khi thách thức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2017 không phải ít.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội

Trước việc tăng trưởng kinh tế trong qúy I chỉ đạt mức tăng 5,1%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để duy trì mức tăng trưởng 6,7% của cả năm theo kế hoạch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

“Đáng chú ý nhất trong các giải pháp là nâng tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP lên mức kỷ lục 34-35%. Nếu như kế hoạch này được thực hiện thì đây sẽ là tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2010…” - Giám đốc MarketIntello bình luận.

Để đạt được mức đầu tư toàn xã hội cao như vậy, Chính phủ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hạ lãi suất và xử lý nợ xấu để thúc đẩy tín dụng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài,…

Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã có một loạt động thái kích thích tăng trưởng tín dụng như thuyết phục được Chính phủ và Quốc Hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu; hạ các mức lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, hạ mức trần cho vay ngắn hạn trong một số ngành ưu tiên thêm 0,5 điểm %.

Tuy nhiên, theo phân tích của MarketIntello , khả năng thúc đẩy khu vực tư nhân mở rộng đầu tư cũng có thể vẫn sẽ gặp trở ngại nếu như Chính phủ không thuyết phục được doanh nghiệp và nhà đầu tư rằng các giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng hiện nay sẽ không dẫn đến lạm phát tăng cao hoặc bất ổn vĩ mô trong tương lai.

Nhóm giải pháp đáng chú ý tiếp theo được các chuyên gia MarketIntello đưa ra là tăng cường khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu thô. Cụ thể, Chính phủ điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 để nâng sản lượng khai thác dầu thô trong nước thêm tối thiểu 1 triệu tấn.

Kế hoạch tăng cường khai thác khoáng sản của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh giá dầu thô quay trở lại xu hướng suy giảm sau khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả-Rập. Kế hoạch hút thêm 1 triệu tấn dầu thô có thể sẽ khó khả thi nếu như giá dầu thô duy trì ở mức giá thấp vì việc hút thêm dầu thô để bán có thể sẽ dẫn đến thua lỗ cho đơn vị khai thác.

Trong bối cảnh sức cầu trong nước vẫn yếu, mở rộng thị trường xuất khẩu có lẽ vẫn sẽ là “lối ra” để cho nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như chỉ có khu vực FDI là tận dụng được cơ hội này. Trong khi mức tăng chung của xuất khẩu cả nước 6 tháng đầu năm đạt 18,9% thì tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp FDI là 21%. Do khó khăn trong việc mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ khó có thể đẩy mạnh được đầu tư trong 6 tháng cuối năm như Chính phủ mong muốn.

“Như vậy, những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn của Chính phủ đề ra về cơ bản trông vào chính sách tiền tệ. Điều này có thể giúp cho nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng cao hơn vào cuối năm.

Khả năng nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,7% như theo kế hoạch cũng như duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn thì vẫn là một câu hỏi mở. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Việt Nam có thể cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng hiện nay hay không vì đây mới là nhân tố chính quyết định Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai…” - Báo cáo của MarketIntello nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 hôm 18/7 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 6 vấn đề mà NHNN cần giải trình, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất, bao gồm: Tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất:; Xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân phục vụ phát triển KT-XH; Kiểm soát sở hữu chéo; Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng; Đảm bảo an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế TNDN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP.

Nguồn tin: Pháp luật

ĐỌC THÊM