Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hưởng ưu đãi, lo bị kiện

Các DN thép Mỹ đã liệt kê 17 loại ưu đãi, hỗ trợ mà họ cho là “trợ cấp” mà sản phẩm thép Việt Nam đang hưởng.

 

Cần sớm rà soát lại các biện pháp ưu đãi đầu tư, ưu đãi sản xuất… Nếu không, chính các ưu đãi này có thể khiến DN bị kiện chống trợ cấp khi xuất hàng đi nước ngoài.

Thép Việt Nam chính thức bị Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Chống bán phá giá không còn là chuyện mới lạ gì. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai sản phẩm Việt Nam bị kiện chống trợ cấp. Lần trước đó, túi nylon của Việt Nam xuất sang Mỹ cũng bị kiện “kép”, vừa bị kiện chống bán phá giá vừa bị kiện chống trợ cấp và đã bị áp thuế.

Nhiều ưu đãi

Trong lần kiện này, các DN thép Mỹ (bên nguyên đơn khởi kiện) đã liệt kê 10 DN Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Ống thép Việt Nam, Hữu Liên Á Châu, Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Việt Đức, Hyundai - Huy Hoàng…

Bên nguyên đơn cũng liệt kê 17 loại ưu đãi, hỗ trợ mà họ cho là “trợ cấp” mà sản phẩm thép Việt Nam đang hưởng. Cụ thể như nhà xuất khẩu được cho vay ưu đãi; ngành thép được vay ưu đãi; DN được miễn và giảm tiền thuê đất; các DN trong khu công nghiệp hoặc ở nhiều lĩnh vực được ưu đãi về đất; DN ở các khu công nghiệp được cung cấp nước với giá thấp hơn giá bù đắp chi phí. Ngoài ra, nguyên đơn còn cho rằng DN thép còn được thưởng dưới dạng các chương trình xúc tiến xuất khẩu, chương trình phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, nguyên đơn cũng liệt kê một số chương trình thuế mà họ cho là “trợ cấp” như miễn thuế đối với nguyên liệu thô nhập khẩu nhằm sản xuất hàng xuất khẩu; ưu đãi thuế thu nhập cho DN có vốn đầu tư nước ngoài; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu nhằm tạo tài sản cố định…

Sản xuất thép tại một nhà máy. Ảnh: CTV

Luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc Công ty Luật NT Trade Law, đã chủ động tư vấn sơ bộ với Hiệp hội Thép Việt Nam về hướng giải quyết vụ kiện thép. Ông Thụy cho biết trong số 10 công ty trên, có những công ty không trực tiếp xuất hàng sang Mỹ. Tuy nhiên, trong các vụ kiện, nguyên đơn có thể liệt kê tên nhiều DN vào, việc họ liệt kê DN nào, bao nhiêu DN cũng chưa quan trọng. Vấn đề quan trọng là giai đoạn sắp tới đây, khi có số liệu nhập khẩu thép trong tay, Mỹ sẽ chính thức chọn ra 2-3 công ty điển hình để điều tra chi tiết hơn.

Chứng minh từng khoản

Về 17 loại ưu đãi mà DN Mỹ đưa ra, ông Thụy cho rằng các nội dung này tương tự như nội dung của vụ kiện túi nylon trước đó. Trong vụ túi nylon bị kiện, DN ta đã thua, tuy nhiên có lý do là DN bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, với nội dung kiện tương tự, nếu lần này ta phản biện thì kết quả tốt hơn.

Ông Thụy cho biết trong số 17 “món” mà DN Mỹ liệt kê, ta cần chứng minh từng “món” một không mang tính trợ cấp hoặc tuy là trợ cấp nhưng được phép dùng chứ không bị cấm.

Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong vụ thép bị kiện chống trợ cấp, DN thép có thể chứng minh các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của ta là trợ cấp chung chứ không chỉ cho riêng một ngành nghề, một lĩnh vực nào cả, cũng không nhằm hỗ trợ xuất khẩu, không nhằm khuyến khích tiêu thụ nội địa. Do đó mà được phép dùng chứ không bị cấm.

Ông Hùng cũng cho biết từ nhiều năm trước, trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã chủ động rà soát quy định, chính sách xem cái nào không phù hợp thì chỉnh sửa. Cho nên những quy định, chính sách hiện nay của ta đang áp dụng đều đã phù hợp với cam kết gia nhập. Các ưu đãi, hỗ trợ về cơ bản là hoàn thiện, phù hợp cam kết WTO.

Tuy nhiên, nếu ta không chứng minh được một “món” nào trong danh sách trên không phải là trợ cấp bị cấm thì sao? Ông Thụy cho biết giá trị trợ cấp sẽ bị tính để áp thuế cho hàng nhập khẩu. Khi ấy, DN sẽ gặp bất lợi khi xuất hàng vào các nước.

Có ba loại trợ cấp:

Trợ cấp đèn đỏ bị cấm: Thưởng xuất khẩu, trợ cấp nguyên liệu đầu vào để xuất khẩu, miễn thuế/giảm thuế cao hơn mức mà sản phẩm tương tự bán trong nước được hưởng, ưu đãi bảo hiểm xuất khẩu, ưu đãi tín dụng xuất khẩu, trợ cấp nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa so với hàng nhập khẩu.

Trợ cấp đèn xanh không bị khiếu kiện: Trợ cấp không cá biệt (không hướng tới một (một nhóm) DN/ngành/khu vực địa lý nào); trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu; trợ cấp cho các khu vực khó khăn…

Trợ cấp đèn vàng không bị cấm nhưng có thể bị khiếu kiện: Trợ cấp có tính cá biệt.

Có thể thành tiền lệ

Vụ kiện chống trợ cấp với thép có thể trở thành tiền lệ cho nhiều vụ kiện khác sau này. Trước mắt, lần này kiện chỉ đối với ống thép mà ta xử lý không tốt thì sau đó thép tấm, thép cuộn, thép mạ kim loại, mắc áo bằng thép… có thể bị kiện tương tự. Rồi những sản phẩm khác không phải thép nhưng hưởng ưu đãi, hỗ trợ cũng có thể bị kiện.

Luật sư NGÔ QUANG THỤY
Giám đốc Công ty Luật NT Trade Law

Nguồn tin: phapluattp

ĐỌC THÊM