Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn đang tranh cãi gay gắt nhằm đạt được sự đồng thuận về việc nâng mức nợ trần liên bang. Tuy nhiên, kết quả điều tra của đài CNN hôm 4/7 cho thấy, các quan chức chính phủ và các nghị sỹ Quốc hội Mỹ e rằng khó kiểm soát được những rủi ro nghiêm trọng nhất mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt.
Mối đe dọa xuyên quốc gia
Đài CNN đã mời 27 chuyên gia phân tích kinh tế tham gia điều tra, yêu cầu họ chọn ra những mối đe dọa mà nền kinh tế Mỹ có thể gặp phải.
Nhà phân tích kinh tế Mỹ sợ nhất điều gì? Câu trả lời là một nước nào đó của châu Âu vỡ nợ, chẳng hạn như Hy Lạp. Hơn một nửa đối tượng điều tra đều coi điều này là một trong hai mối đe dọa, 10 người trong đó coi việc này là chuyện đáng lo ngại nhất.
Bill Watkins – Chủ tịch điều hành Trung tâm nghiên cứu và dự đoán kinh tế cho hay: “Với việc hệ thống tài chính đan chéo lẫn nhau, nên khi châu Âu vỡ nợ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính mới, quy mô của nó sẽ tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.
Trước đó, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế S&P hôm 4/7 cảnh báo, gia hạn trả nợ cho Hy Lạp có thể bị coi là sự vỡ nợ có lựa chọn. Tháng trước, Tổng thống Pháp N. Sarkozy đã đề xuất phương án gia hạn nợ Hy Lạp, dùng một phần tiền có được từ khoản nợ đáo hạn để tái đầu tư vào trái phiếu Hy Lạp.
Áp lực giá dầu
Nguy cơ giá dầu lại tăng chỉ đứng sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, trở thành một nỗi lo lắng khác của các nhà phân tích kinh tế Mỹ.
Giá dầu tăng đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cao, nắm giữ chi tiêu người tiêu dùng. Mặc dù mức giá dầu hiện nay có phần sụt giảm so với nhiều tháng trước, nhưng mối đe dọa từ giá dầu cao cho nền kinh tế vẫn chưa biến mất.
Theo nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý tài sản Nenad Pacek – ông James Smith: “Nếu giá dầu duy trì ở mức 125USD/thùng trong 6 tháng hoặc lâu hơn, nền kinh tế chắc chắn sẽ lại rơi vào suy thoái trong năm 2012”.
Cuối tháng trước, cơ quan năng lượng quốc tế IEA tuyên bố 28 nước thành viên sẽ bơm 60 triệu thùng dầu mỏ vào thị trường, bao gồm cả 30 triệu thùng của Mỹ. Giá dầu thô quốc tế lập tức sụt giảm. Hiện giá dầu vẫn quanh quẩn ở mức xấp xỉ 95USD/thùng.
Trong báo cáo phân tích, tập đoàn Schork – một cơ quan tư vấn năng lượng có viết rằng: “Thông tin thị trường sẽ tiêu hóa số dầu mỏ dự trữ mà IEA tung ra trong đúng 1 tuần vẫn không tìm ra phương hướng. Bất kỳ sự sụt giảm mạnh nào của giá dầu cũng đều có thể cần sự đảo chiều của đồng USD”.
Rủi ro nợ Mỹ
Đầu năm nay, kinh tế Mỹ gần như đã đi trên con đường phục hồi. Nhưng, khi mùa xuân đến, tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại, khiến một số chuyên gia phân tích kinh tế hạ thấp dự báo tăng trưởng, quan điểm cho rằng sẽ tái xuất hiện một đợt suy thoái kép lại được đưa ra.
Theo các nhà phân tích, việc Quốc hội từ chối nâng mức nợ trần có thể khiến Mỹ vỡ nợ, nhưng đồng thời cho biết thêm điều này chưa thể trở thành hiện thực.
Ông Kevin Giddis, đến từ Công ty đầu tư Morgan Keegan lại coi việc trên là chuyện nhỏ nhất trong những mối đe dọa của nền kinh tế Mỹ. Theo ông, “tuy hậu quả của việc Quốc hội không nâng mức nợ trần vô cùng nghiêm trọng, nhưng khả năng xảy ra việc này rất ít”.
Tuy nhiên, vẫn có 10 nhà phân tích coi rủi ro nợ Mỹ là một trong hai mối đe dọa lớn nhất, thậm chí 6 người trong đó còn xem đó là mối đe dọa hàng đầu.
Đồng thời, chỉ có rất ít nhà đầu tư lo ngại về những chuyện khác, chẳng hạn như chính phủ các cấp thắt chặt ngân sách.... Một học giả đến từ trường Đại học Brown cho hay: “Thắt chặt tài chính là rủi ro ngắn hạn, nhưng lại có ích trong dài hạn. Xác suất ngân sách bị cắt giảm với quy mô lớn hầu như khá thấp”.
Nguồn tin: CE