Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hy Lạp trụ lại eurozone bao lâu?

  Điều này phụ thuộc vào liên minh cầm quyền sắp tới sẽ thọ được bao lâu?

Bầu cử Quốc hội Hy Lạp ngày 17/6 được coi như  một cuộc trưng cầu dân ý về sự tồn tại của quốc gia trong khối euro. Cộng đồng quốc tế thở phào sau thắng lợi của phe bảo thủ, đảng Dân chủ mới. Đảng này chủ trương tuân thủ chính sách khắc khổ mà quốc tế đã áp đặt với Athènes như điều kiện tiên quyết để tồn tại trong khu vực đồng euro.

Hai ngày trước cuộc bầu cử vừa qua, người dân Hy Lạp đã rút hơn 2 tỷ euro ra khỏi các ngân hàng nội địa để chuyển tới những địa điểm được coi là an toàn hơn đề phòng trước khả năng Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro trong trường hợp đảng cực tả Syriza về đầu. Thế nhưng viễn cảnh Athènes bị khai trừ khỏi eurozone tạm được xua tan.

Từ Los Cabos, Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20 đã hoan nghênh sự chọn lựa của 9 triệu cử tri Hy Lạp. Các thị trường tài chính trên thế giới cũng đón nhận kết quả bầu cử Lập pháp Hy Lạp như một tin vui với hy vọng liên minh cầm quyền sắp tới sẽ cho phép Hy Lạp thoát khỏi tình trạng tê liệt hiện tại. Đây sẽ là điều có lợi cho cả người dân xứ này lẫn các chủ nợ của Athènes.

Tìm kiếm liên minh

Nhưng đó chỉ là những hy vọng. Thách thức  đầu tiên là lãnh đạo đảng Dân chủ mới vừa về đầu còn phải thuyết phục được các đảng phái chính trị khác để thành lập một chính phủ liên minh. Bởi vì, về thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu vừa qua là đảng cựu tả Syriza.

Đảng này chủ trương “không khoan nhượng trước những áp đặt của bộ ba Ngân hàng Trung ương châu Âu, Bruselles và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”. Cụ thể hơn lãnh đạo Syriza, Alexis Tsipras luôn đòi Athènes phải đàm phán lại với quốc tế về những đòi hỏi buộc Hy Lạp cắt giảm chi tiêu, và ông cũng chủ trương chấm dứt việc sa thải công nhân viên chức nhà nước hay tăng thuế nhắm vào người dân vốn đang phải đối đầu với nạn thất nghiệp tràn lan và thu nhập bị giảm sút.

Chuyên gia kinh tế Hy Lạp, Petros Linardos nói tới một toàn cảnh chính trị mới đang mở ra tại Hy Lạp: “Có nhiều khả năng liên minh cầm quyền sẽ bao gồm đảng Dân chủ mới, đảng Xã hội Pasok và sự hiện diện đông đảo của phe đối lập. Đó sẽ không phải là phe chống đối việc Hy Lạp được duy trì trong khối euro. Nhưng đây là những thành phần chống đối chính sách khắc khổ mà quốc tế đã áp đặt. Đảng Syriza thuộc cánh tả cực đoan sẽ đấu tranh vì những nhu cầu về phương diện xã hội. Dù sao chính phủ sắp tới cũng sẽ phải tỏ ra hết sức cứng rắn để đàm phán với cộng đồng quốc tế về một chính sách cứu nguy Hy Lạp. Hiện nay có nhiều người cho rằng nội các tương lai của Hy Lạp sẽ không thọ được lâu”.

Một khi thành lập được liên minh chính phủ, tân nội các Samaras sẽ phải lập tức chứng minh các nhà  tài trợ là Athènes vẫn thi hành nghiêm túc những cam kết để đổi lấy 2 gói hỗ trợ tài chính 110 và 130 tỷ euro với điều kiện không đòi hỏi người dân phải hy sinh thêm nhiều hơn nữa.

Chính ở điểm này nhiều nhà quan sát cho rằng thắng lợi của đảng Dân chủ mới chỉ là bước đầu và hãy còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi Hy Lạp. Bởi vì bản thân Hy Lạp thực sự cần có một chính phủ với đa số rộng rãi để có thể cải tổ một cách sâu rộng guồng máy kinh tế, theo như nhận xét của một người dân sống ở thủ đô Athènes:

Chính sách cắt giảm chi tiêu không thể là giải pháp duy nhất để đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng. Kinh tế Hy Lạp đang gặp rất nhiều khó khăn và đang bị hụt hơi. Để vượt khỏi bế tắc, Athènes cần ban hành một loạt các biện pháp để cải tổ toàn diện cơ cấu của nền kinh tế nước nhà. Từ hơn hai năm nay, châu Âu luôn đòi Hy Lạp cải tổ cơ cấu nhưng không một chính phủ nào đã mạnh dạn hay thực lòng làm được điều đó”.

Khả năng gia hạn cho Hy Lạp

Theo quan sát của nhà báo chuyên theo dõi tình hình chính trị tại Athènes, Babis Papadimitriou thì dường như các nước trong khối euro bắt đầu tính tới chuyện nới lỏng vòng kềm tỏa đối với Hy Lạp: “Theo những thông tin đầu tiên có được, châu Âu đồng ý cho Hy Lạp thêm thời gian để hoàn thành mục tiêu cắt giảm chi tiêu công cộng và nợ công. Tôi nghĩ là Athènes cần thêm từ 1-2 năm để cân bằng ngân sách. Vấn đề đặt ra là trong thời gian từ 1-2 năm đó Hy Lạp làm thế nào để trang trải các khoản nợ đáo hạn. Bên cạnh đó mọi người cũng chờ đợi là châu Âu và IMF sẽ nhẹ tay hơn với Hy Lạp, nhưng nhẹ tay hơn nghĩa là như thế nào? Điều đó bản thân Athènes cũng chưa xác định được còn IMF và Bruxelles thì chưa tìm ra đồng thuận”.

Một số tiếng nói khác cho rằng châu Âu thật ra trong thế bắt buộc phải nhẹ tay hơn trong việc  đòi Hy Lạp giảm nợ công và cân bằng hóa ngân sách nhà nước bởi vì “già néo đứt dây” và khủng hoảng có nguy cơ bao phủ lên cả những nền kinh tế nặng ký hơn của khối euro như là Ý hay Tây Ban Nha.

Ở điểm này giới phân tích cho rằng thủ tướng Đức đang chịu sức ép của cộng đồng quốc tế: ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng châu Âu nói chung và Hy Lạp nói riêng chỉ có thể thoát khỏi bế tắc nếu như thực sự có được một đà tăng trưởng mạnh và có tăng trưởng kinh tế thì Hy Lạp mới mong thanh toán bớt được nợ công, từng bước lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước.

Trong khi đó thì Berlin lại coi việc giảm nợ  công và bội chi ngân sách là những điều kiện tiên quyết để đem lại tăng trưởng vững bền. Tại thượng đỉnh G-20 ở Los Cabos tuần này, hay tại thượng đỉnh châu Âu ở Bruselles vào cuối tháng, mọi chú ý đang dồn về phía Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

Hy Lạp hiện chỉ chiếm trọng lượng tương đương với 3% GDP của toàn khối euro. Vì sao một quốc gia với trọng lượng khiêm tốn như Hy Lạp lại lại có thể đẩy cả châu Âu vào một cuộc khủng hoảng kéo dài mà tới nay Bruxelles vẫn chưa trông thấy ánh sáng cuối đường hầm?

Theo quan điểm của một trong những chuyên gia về tài chính và kinh tế hàng đầu của Pháp, Marc Touati, Phó Giám đốc Cơ quan Tư vấn tài chính Global Equities, vấn đề ở cấp châu Âu, điều khiến châu Âu lo ngại hơn cả là sự trống vắng về phương diện chính trị. Chính vì không có được một chính sách đồng nhất cho nên châu Âu đã liên tục lún sâu vào khủng hoảng.

Ông nhấn mạnh: “Vấn đề cốt lõi là phải thành lập một định chế chính trị ở cấp châu Âu để điều hành và đưa ra những chính sách nhất quán về tài chính, về ngân sách, về các hoạt động của ngân hàng… Hiện nay khối euro mới chỉ thành lập ra Ngân hàng Trung ương châu Âu BCE để điều tiết chính sách tiền tệ chung châu Âu. Tiếc là định chế này đã phạm quá nhiều sai lầm trong quá khứ, theo nghĩa là BCE luôn bị ám ảnh vì mục tiêu chống lạm phát cho nên đã hy sinh mục tiêu tăng trưởng”.

Nhẽ ra châu Âu đã phải làm điều này từ 10 năm nay, tức ngay từ khi đồng euro chính thức được lưu hành. châu Âu chưa thực sự  chưa hẳn là một “không gian tiền tệ thống nhất”. Thay vì coi việc thống nhất chính sách tiền tệ, ngân sách… giữa các nước sử dụng cùng một đơn vị tiền tệ thì Bruselles lại chỉ quan tâm đến việc mở rộng khu vực euro đến những thành viên mới. Ngày nào mà khối euro không có một tiếng nói chung, một guồng máy lãnh đạo chung đáng tin cậy thì khủng hoảng sẽ còn kéo dài”.

Khởi điểm của cơn ác mộng Hy Lạp

Ngược thời gian trở lại với câu hỏi: làm sao một quốc gia như Hy Lạp từng thành công rực rỡ khi được tổ chức Thế vận hội Olympic 2004 lại lâm vào cảnh gần như khánh tận? Vào tháng 10/2009, khi lên cầm quyền đảng Thủ tướng Georges Papandreou thuộc đảng Xã hội thừa kế một di sản khá cồng kềnh do cánh bảo thủ để lại. Bội chi ngân sách nhà nước cao gấp bốn lần so với quy định 3% của châu Âu, tổng nợ công lên tới tương đương 115% GDP thay vì tối đa là 60% như đòi hỏi đối với tất cả các nước thành viên khối euro; nền kinh tế “chợ đen” của Hy Lạp tương đương với 5% GDP, và đương nhiên là những khoản thất thoát về thuế khóa khổng lồ đã đè nặng lên ngân sách của nhà nước.

Nội các Papandreou đã cam kết lành mạnh hóa tài chính, giảm bội chi ngân sách đang từ 12,9% xuống còn 8% GDP vào năm 2010. Nhưng chính quyền Athènes từ khi đó đã mất uy tín với các nhà đầu tư. Athènes phải đi vay tín dụng với lãi suất ngày càng cao. Khi đó chính phủ Hy Lạp đã lên tiếng cầu viện.

Châu Âu và IMF sau nhiều tháng chần chừ vào tháng 5/2010 đã đồng ý cấp cho Athènes gói hỗ  trợ tài chính đầu tiên 110 tỷ euro trong 3 năm và kèm theo đó là những điều kiện đòi chính phủ Hy Lạp cải tổ cơ cấu kinh tế, cắt giảm chi tiêu, giảm lương công nhân viên chức nhà nước, tăng thuế VAT, cải tổ hệ thống hưu bổng… Athènes lần lượt cho ra đời hàng loạt các kế hoạch cắt giảm chi tiêu công cộng để giảm nợ công và thu gọn thâm hụt ngân sách nhà nước.

Vấn đề đặt ra là những gói tiết kiệm liên tiếp mà chính phủ của ông Papandreou cho ra đời đã đem lại những hậu quả tai hại về mặt xã hội. Cùng lúc kinh tế Hy Lạp lún sâu thêm vào khủng hoảng. Tổng sản phẩm nội địa nước này giảm trong 5 năm liên tiếp, 150.000 doanh nghiệp khánh tận, đe dọa Athènes mất khả năng thanh toán càng lúc càng cận kề, đời sống của người dân càng thêm chật vật lương tối thiểu bị giảm từ 40-60%. Bản thân Hy Lạp ngày càng khó huy động vốn qua các chương trình phát hành công trái phiếu. Điều đáng lo sợ hơn cả là vết dầu đã loang từ Hy Lạp sang Ireland, Bồ Đào Nha và đang đe dọa hai nền kinh tế có trọng lượng của khối euro là Tây Ban Nha và Ý.

Sau gói cứu trợ đầu tiên 110 tỷ euro, quốc tế đã đồng ý về một kế hoạch thứ nhì tổng cộng là 130 tỷ để chận  đứng đà lây lan của khủng hoảng Hy Lạp, nhưng trên thực tế tới nay mới chỉ có một khoản rất nhỏ của hai gói hỗ trợ tài chính kể trên đã được rót vào cỗ xe kinh tế của quốc gia vùng Địa Trung Hải này.

Có thể nói khủng hoảng Hy Lạp đang làm lộ rõ những yếu kém trong quá trình xây dụng cộng đồng tài chính và tiền tệ của châu Âu. Tinh thần liên đới và mô hình hợp tác châu Âu cũng cho thấy những giới hạn của nó khi mà một quốc gia nêu lên câu hỏi vì sao họ lại phải gánh vác bớt nợ nần của một nước khác trong khu vực, khi mà các đảng phái chính trị cần chinh phục thành phần cử tri bài châu Âu.

Khủng hoảng với những hậu quả đã lan rộng ra ngoài biên giới Hy Lạp phải chăng là cái giá phải trả khi Liên hiệp châu Âu đã “lưỡi cày đặt trước con trâu”: Bruselles đã đốt giai đoạn, cho ra đời một cộng đồng tài chính và tiền tệ trước khi thực sự thống nhất về chính trị, về ngân sách về thuế khóa và thậm chí là cả về phương diện xã hội như là những biện pháp khắc khổ mà bộ ba Ngân hàng Trung ương châu Âu, Bruselles và IMF đang áp đặt đối với người dân Hy Lạp.

Hy Lạp ở lại trong khối euro bao lâu?

Thắng lợi của cánh bảo thủ Hy Lạp trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua cho phép Athènes trụ lại trong khối euro nhưng liệu liên minh cầm quyền sắp tới sẽ thọ được bao lâu? Đó chính là lý  do vì sao các thị trường tài chính trên thế giới chỉ đón nhận tin vui đến từ Athènes một cách thận trọng. Mọi người điều biết nội các tương lai của Hy Lạp sẽ phải tiến hành một loạt các cuộc thương lượng đầy cam go với cộng đồng quốc tế trước khi Bruselles, BCE và IMF chấp thuận giải ngân phần còn lại của hai gói hỗ trợ tài chính 110 và 130 tỷ euro./.

Nguồn tin:Taichinhthegioi

ĐỌC THÊM