Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo lượng tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ giảm mạnh từ nay đến năm 2021.
Tuy nhiên cơ quan này cũng cho rằng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao này vẫn cần thiết trong sản xuất điện tại khu vực châu Á.
Giám đốc Thị trường và An ninh Năng lượng của IEA, Keisuke Sadamori cho biết trong những năm qua, than đá được cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, nhưng cho đến nay vẫn không thể "ngừng khai thác than đá".
Theo báo cáo hàng năm về thị trường than đá của IAI, thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 5,6 tỷ tấn than đá trong năm 2021, giảm so với dự báo trước đó là 5,8 tỷ tấn.
Sau khi tăng 4% mỗi năm trong các năm 2000-2013, nhu cầu tiêu thụ than đá toàn cầu đã chậm lại, bình quân giảm 0,6% trong giai đoạn từ 2015-2021.
Lượng than đá trong sản xuất điện sẽ giảm 41% trong năm 2014 xuống còn 36%.
Theo IAI, nhu cầu tiêu thu than đá giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, năng lượng tái tạo phát triển và nâng cao hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ chính sách chống biến đổi khí hậu của các quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng tiêu thụ than đá lại khác nhau theo từng khu vực: tại châu Á nhu cầu ngày càng gia tăng, từ 46% trong năm 2000 lên 73% năm 2015, trong khi đó, tại châu Âu và Bắc Mỹ lại ngày càng giảm tương ứng 22% xuống còn 12%, và 25% xuống 10%.
IEA cho rằng đây là một nghịch lý trong nhu cầu than đá trên thế giới, một nguồn năng lượng có thể sử dụng trong sản xuất điện với giá cả phải chăng, nhưng lại là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí với việc sản sinh ra lượng lớn khí thải CO2.
IEA cũng đưa ra cảnh báo rằng các quốc gia phải hướng tới việc sử dụng than đá một cách bền vững hơn, đảm bảo môi trường thông qua các công nghệ xử lý CO2 siêu tới hạn, nếu không khó có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C.
Nguồn tin: Vinanet